Nên coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ

Mai Thoa| 07/10/2016 07:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những kiến nghị của cử tri gửi đến các Bộ, ngành giải quyết luôn là vấn đề nóng, được sự quan tâm của đông đảo người dân. Tại phiên họp thứ tư, UBTVQH đã thảo luận khá kỹ về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 11, QH XIII.

Tất cả kiến nghị của cử tri đều được Tòa án giải quyết

Theo báo cáo, từ kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong công tác lập pháp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những kiến nghị của cử tri để hoàn thiện các dự án luật nhằm khắc phục tình trạng luật "khung", luật "ống". Đồng thời, tích cực đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật nhằm đảm bảo luật đi vào cuộc sống.

Trong hoạt động giám sát, Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã lựa chọn và tiến hành giám sát chuyên đề về một số lĩnh vực mà cử tri có nhiều kiến nghị. Nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội đã được Quốc hội xem xét, phân tích thẳng thắn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết tốt hơn những yêu cầu, kiến nghị của cử tri.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, hiện 856 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đều đã được các cơ quan trả lời bằng văn bản tới cử tri. Tỷ lệ các kiến nghị được tiếp thu để xử lý, giải quyết dứt điểm dưới dạng ban hành sửa đổi bổ sung các chính sách pháp luật hoặc tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chiếm 20,56% .

Nên coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo tại phiên họp

Tuy nhiên, hạn chế nhất vẫn là hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời cử tri mà chưa chú trọng, quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Những nội dung trả lời các kiến nghị này lại chưa rõ ràng, thiếu lộ trình cụ thể hoặc chỉ viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật đã cũ, không còn phù hợp nên không giải quyết được vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của cử tri. Điển hình như các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Công thương, Tài nguyên Môi trường, Nội vụ và một số Bộ, ngành khác…

TANDTC là cơ quan được đánh giá là rất có trách nhiệm trong việc trả lời kiến nghị cử tri. Theo Báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, có 4 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của TANDTC, đến nay, cơ quan này đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời hết. Trong đó, kiến nghị về bồi thường oan sai cho ông Lương Ngọc Phi đã được xem xét, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường. Đối với kiến nghị về xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” ở tỉnh Long An đã được lãnh đạo liên ngành Bộ Công an - VKSNDTC - TANDTC xem xét, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, toàn diện các chứng cứ buộc tội, cũng như gỡ tội, những vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng, những vi phạm, thiếu sót không làm thay đổi bản chất vụ án. Vì vậy, việc Tòa án các cấp kết án Hồ Duy Hải là có căn cứ pháp luật. Đối với các kiến nghị về việc giải quyết các trường hợp oan, sai trong tố tụng hình sự thì trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra oan, sai như thế nào, TANDTC đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, hạn chế các trường hợp oan, sai; tích cực xem xét một số vụ án có đơn kêu oan (trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã xem xét, giải quyết 47/63 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử). Đồng thời, xem xét xác định rõ trách nhiệm của một số cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ

Chỉ ra những tồn tại trên thực tế của một số Bộ, ngành, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, kết quả giám sát cho thấy, có những văn bản không trả lời thẳng vào nội dung kiến nghị của cử tri mà lại trả lời chung chung, trả lời không đúng kiến nghị cần giải quyết, không đưa ra lộ trình và biện pháp giải quyết. Ví như: Cử tri TP. Hồ Chí Minh hỏi về cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ trí thức thì ở văn bản trả lời Bộ Nội vụ chỉ nêu hiện đang xây dựng Chiến lược Phát triển thanh niên và Luật Thanh niên. Hay một số Bộ, ngành, Bộ trưởng, Trưởng ngành không trực tiếp trả lời kiến nghị cử tri mà lại giao cho cấp phó trả lời là chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình đối với cử tri và nhân dân cả nước như: Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, kiến nghị của cử tri thì nhiều, với nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng với tiềm lực hiện nay thì chưa thể giải quyết hết được. Tuy nhiên, những vấn đề bức xúc nhất, quan trọng nhất cần được ưu tiên giải quyết. Ông cũng lưu ý, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri phải có bản lĩnh, trí tuệ, trí thức, kỹ năng văn bản. “Nhiều người dân nói, nhiều ông cán bộ chưa phải “ngon lành” lắm. Dân khiếu kiện đã bí nhưng nghe cán bộ nói thì còn bí hơn, bức xúc hơn. Vấn đề này không nhiều nhưng rất nguy hiểm”, ông Việt bày tỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề xuất, cần coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, Trưởng ngành khi lấy tín nhiệm trước Quốc hội.

Đồng ý những vấn đề bức xúc của cử tri phải tập trung giải quyết, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, hiện nay, cử tri đang rất quan tâm, rất bức xúc là vấn đề Formosa Hà Tĩnh, đề nghị Quốc hội quan tâm đến vấn đề này. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất là tập trung giám sát trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trong việc thực thi, thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để chỉ ra những “địa chỉ” cụ thể, kịp thời uốn nắn, khắc phục. Cụ thể là cần phải có những sửa đổi Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để đáp ứng yêu cầu. Vì hiện nay, có tình trạng là công dân làm đơn khiếu kiện viết một bản được photo hàng trăm bản gửi đi khắp nơi, nơi nào nhận được cũng chuyển đơn, đề nghị xem xét giải quyết, như vậy “1 con gà thành 10 con gà”. Hay như, nội dung khiếu nại không thành thì người khiếu nại chuyển sang tố cáo kiến người giải quyết tố cáo rất “oải”, ông Hạnh nêu ví dụ.

Ông Hạnh cũng chỉ ra một thực trạng, hiện các vụ khiếu nại hành chính rất lớn, nhưng đến giai đoạn chuyển sang tố tụng hành chính thì điều kiện để chuyển rất khó khăn; nhiều người dân cũng không muốn chuyển sang tố tụng hành chính cho nên cũng cần có những tháo gỡ điểm này. “Luật quy định có quyết định giải quyết cuối cùng, nhưng trong thực tiễn chưa có điểm dừng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo”, ông Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ