Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Mai Thoa| 21/10/2016 09:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm thấp so với cùng kỳ

Theo báo cáo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội ngày 20/10 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,14%, cả năm ước tăng khoảng 4%. Việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với dịch vụ giáo dục, y tế được chuẩn bị kỹ và điều hành phù hợp, không gây ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá. Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Tín dụng đối với nền kinh tế đến nay tăng 11,24%. Một số tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay khoảng 0,5 - 1,5%. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định; dự trữ ngoại hối đạt trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Quản lý chặt chẽ, chống thất thu ngân sách, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế và tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước (NSNN). Tổng thu NSNN 9 tháng đạt 70,8% dự toán, ước cả năm tăng 2,4%; bội chi giữ bằng mức Quốc hội thông qua.

Việc huy động vốn cho đầu tư phát triển cũng được đẩy mạnh. Trong 9 tháng, vốn FDI thực hiện tăng 12,4%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 63% GDP, cao nhất từ trước đến nay; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP (kế hoạch là 31,5%). Đồng thời thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 6,7%, trong đó xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 7,4% (cùng kỳ giảm hơn 10%); xuất siêu 2,8 tỷ USD. Ước cả năm xuất khẩu tăng 6 - 7% .

Cùng với đó, Chính phủ còn tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng, có trên 81.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Chính phủ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào các trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trình Quốc hội Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Kế hoạch tài chính - NSNN và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Kiểm soát lạm phát,  ổn định kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo trước Quốc hội

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận định, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%). Trong đó, khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,65% (cùng kỳ 2,08%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,4% (cùng kỳ 9,9%), riêng công nghiệp khai khoáng giảm 4,1% (cùng kỳ tăng 8,6%). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%). Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến.

Việc thu ngân sách khó khăn, 9 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước (70,8% so với 74,9%), trong đó thu ngân sách Trung ương chỉ đạt 61%; nợ đọng thuế còn lớn. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí; nợ công cao, áp lực trả nợ lớn…

Còn tình trạng chi ngân sách vượt dự toán

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) đã đưa ra nhận định về vấn đề thu chi ngân sách hiện còn hết sức khó khăn. Cụ thể, số thu từ dầu thô, thu xuất nhập khẩu không thể đạt dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 57,4% dự toán. Tình trạng trốn thuế, thất thu tương đối lớn, tính đến ngày 31/8/2016, với 74,8 nghìn tỷ đồng nợ đọng thuế trên toàn quốc, trong đó hơn 14,8 nghìn tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu. Có ý kiến đề nghị đánh giá rõ về tác động của sự cố ô nhiễm môi trường đến thu NSNN đối với các tỉnh miền Trung để có biện pháp điều hành ngân sách phù hợp. Thu ngân sách từ chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, bán trụ sở... trên sổ sách thì cao, nhưng trừ đi chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng hoặc dùng ngân sách để thu hồi, đền bù giải tỏa và xây dựng mới thì số thực thu, có thể sử dụng được không nhiều, cần phản ánh đầy đủ trong báo cáo thu chi ngân sách.

Về chi NSNN, đến hết tháng 9/2016, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 54,5% dự toán, trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 38,8% dự toán là quá thấp. UBKT đề nghị Chính phủ xem xét lại căn cứ, hiệu quả của việc giải ngân vốn đầu tư phát triển cả năm 2016 đạt 102,4% dự toán; đánh giá lại một số khoản chi nhiều năm không đạt dự toán như chi khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo... Một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng chi không đúng chế độ, không đúng định mức, vượt dự toán được duyệt, sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách ngân sách trung ương cấp bổ sung có mục tiêu cho địa phương nhưng thực tế chi không đúng mục tiêu, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao 64,3% trong tổng chi.

 Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tín dụng, tín dụng tiếp tục tăng trưởng phù hợp với đà phục hồi của nền kinh tế, việc điều hành cung tiền hợp lý đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ ổn định tỷ giá trong điều kiện CPI tăng mạnh so với năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao và sự yếu kém của một số ngân hàng thương mại, lãi suất trái phiếu Chính phủ tuy giảm nhưng vẫn ở mức khá cao gây khó khăn trong việc hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Có ý kiến cho rằng các biện pháp quản lý mang tính hành chính như chính sách trần lãi suất là không phù hợp; lạm phát trở lại là nguy cơ đáng chú ý nhất sau thời gian khá dài duy trì ổn định ở mức thấp khiến cho cơ hội giảm mặt bằng lãi suất càng nhỏ. Dư địa ngân sách ngày một eo hẹp do chi thường xuyên và chi trả lãi, nợ gốc ngày một tăng cao; khoảng cách giữa chi thường xuyên và chi đầu tư ngày càng nới rộng.

 Có ý kiến lo ngại tình trạng bội chi ngân sách cao, nợ công tăng nhanh trong giai đoạn trước là một trong các rủi ro lớn cho nền kinh tế, nợ công có khả năng vượt trần là 65% GDP trong năm 2016. Việc tăng giải ngân nguồn vốn vay ODA sẽ làm dự toán chi NSNN bị phá vỡ, thâm hụt ngân sách tăng so với dự toán do Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn vay ODA. Đồng thời, hiện còn đang nợ khá lớn các chính sách đã ban hành cùng với việc chưa xử lý khoản vay về cho vay lại đối với một số doanh nghiệp làm cho giá vốn ở thị trường tăng cao.

Trước tình hình đó, UBKT đề nghị, năm 2017, Chính phủ cần thực hiện nghiêm quy định về dự toán thu, chi, quản lý ngân sách Nhà nước; Quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí các dự án đầu tư công; Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình; Quản lý chặt chẽ nợ công, đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công. Cùng với đó, tiếp tục triển khai tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các giải pháp xử lý nợ xấu đã được bán cho VAMC, tăng cường công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các biện pháp để hạn chế phát sinh các khoản nợ xấu mới; tập trung tháo gỡ khó khăn về giao dịch tài sản bảo đảm, hình thành thị trường mua bán nợ. UBKT cũng đề nghị Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp.  

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô