Khai thác khoáng sản ở Việt Nam: Ồ ạt cấp phép, sai phạm tràn lan

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khai thác khoáng sản của Việt Nam hiện phát triển thiếu bền vững; trình trạng mua, bán mỏ trái phép và cấp phép ồ ạt dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung; tính minh bạch và giải trình thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư”.

Hiện có đến 3.882 giấy phép khai khoáng do cấp tỉnh ký đang được thực hiện

Đây là những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo bàn tròn trước đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 9 với chủ đề “Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam” do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Sai phạm muôn hình vạn trạng


Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: tài nguyên khoáng sản ở nước ta rất đa dạng với hơn 60 loại và có trữ lượng lớn như quặng bôxít, titan, đất hiếm..., riêng dầu khí ước đạt 4,3 tỷ tấn. Đóng góp của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản ngày càng tăng 4,3 GDP năm 1995 lên gần 11% năm 2008. Ngành dầu khí đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 24,37%.

Tuy nhiên, việc cấp phép ở các địa phương trong thời gian gần đây khá tràn lan với nguyên nhân chủ yếu do các địa phương muốn tăng thu ngân sách, mong muốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh và mối quan hệ cá nhân. Ngoại trừ ngành dầu khí, than và một số vùng khác, phần lớn các cơ sở chế biến thường nhỏ lẻ, manh mún; các cơ sở thường chế biến thô rồi xuất khẩu; chất lượng công nghệ thấp nên sản phẩm không đạt yêu cầu, khai thác tận thu nhiều lần.


Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, thống kê đến hết tháng 4-2011, cả nước có hơn 121 giấy phép thăm dò, 3.882 giấy phép khai khoáng do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp có hiệu lực và đang thực hiện. Trong số đó có 82% là giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và 16% giấy phép khai thác loại khoáng sản khác, còn lại là giấy phép khai thác tận thu.

Trong 3 năm gần đây, các tỉnh, thành phố đã thực hiện hàng nghìn lượt kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản, ra quyết định xử phạt trên 12 tỷ đồng và xử lý giải tỏa các tụ điểm khai thác khoảng sản trái phép. Cụ thể: tỉnh Quảng Ninh xử phạt 43 trường hợp với tổng số tiền phạt 1,28 tỷ đồng; Tuyên Quang xử phạt 2,5 tỷ đồng....


Cũng theo Thanh tra Chính phủ, những sai phạm trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu tập trung ở việc cấp phép khai thác tận thu khoáng sản sai quy hoạch, không đảm bảo trình tự thủ tục, không đúng với vị trí được giao tận thu; cấp phép khoáng sản không có sự thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định năng lực đầu tư theo quy định. Công tác khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản chậm dẫn đến việc cấp phép không đúng quy hoạch, cấp phép tại các khu vực chưa có quy hoạch thăm dò khai thác.

Trong thực hiện hoạt động khai thác, các đơn vị không thực hiện đầy đủ các điều kiện quy định về khai thác mỏ như chấp hành các quy chuẩn, cam kết bảo vệ môi trường, an toàn trong quy trình khai thác, nhất là khai thác vật liệu xây dựng. Vi phạm các quy định về tài nguyên đất đai, biên giới mỏ là dạng sai phạm chiếm tỷ lệ tương đối cao, có địa phương trên 60% số mỏ được cấp phép chưa hoàn thành thủ tục thuê đất nhưng vẫn khai thác khoáng sản. Một số mỏ có hiện tượng chiếm dụng đất rừng cho hoạt động khai thác khoáng sản như mỏ than Đồng Rì chiếm dụng 1.343ha đất...

Giải pháp nào ngăn chặn?


Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, việc phân cấp về quản lý khoáng sản theo Luật Khoáng sản còn nhiều kẽ hở, nhiều cơ quan tham gia nhưng thiếu cơ chế phối hợp nên quản lý kém hiệu quả. Tình trạng cấp phép hoạt động không theo quy hoạch, cấp phép tràn lan, chia nhỏ, cấp phép cho các tổ chức cá nhân không đủ năng lực vẫn còn tồn tại. Việc khai thác sản lượng quá lớn, không đủ điều kiện chế biến sâu nên có tình trạng gian lận trong xuất khẩu Titan thô, gây lãng phí tài nguyên. Hầu hết những người có trách nhiệm tại các cơ quan chức năng đều nhìn thấy rõ thực trạng nhưng lúng túng trong xử lý.

Ông Thắng đề xuất: theo quan điểm phát triển bền vững, không phải phát triển kinh tế với bất cứ giá nào mà phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn. Trên cơ sở quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản cần có phương thức lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực để cấp phép. Thêm vào đó, cần bảo đảm tính công khai minh bạch để không thất thu trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển sản xuất bền vững; đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, đào tạo lực lượng chuyên gia và công nhân lành nghề để cùng phát triển bền vững trong xu thế cạnh tranh.

Ông Trần Đức Lượng, Phó Chánh Thanh tra Chính phủ cho rằng: hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp chưa tốt, việc phát hiện và xử lý chưa nghiêm nên các đơn vị chức năng cần có những giải pháp tăng cường giám sát cộng đồng. Hiện nay, những sai phạm trước năm 2008 đã được các ngành chức năng xử lý và tùy vào từng vụ việc để có thể xử lý về mặt kinh tế cũng như về hình sự.

Để bảo vệ và giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khoanh định và công bố các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để bàn giao cho các địa phương quản lý; thành lập đoàn thanh, kiểm tra toàn diện công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh và tiêu thụ khoáng sản tại một số địa phương đơn vị có vấn đề nổi cộm.

Thảo Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác khoáng sản ở Việt Nam: Ồ ạt cấp phép, sai phạm tràn lan