Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

PV| 23/10/2017 10:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (23/10), Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Trước phiên khai mạc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quốc hội đã họp phiên trù bị, thảo luận, thông qua chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4.

Đúng 9 giờ, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN, các vị đại biểu trong và ngoài nước, các đại biểu Quốc hội đã dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc hội nghị

Mở đầu phần phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong những ngày qua, mưa lũ gây hậu quả hặng nề cho đồng bào, Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát với đồng bào vùng mưa lũ; đánh giá cao nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả do thiên tai gây ra; kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước chung tay giúp đồng bào khắc phục hậu quả, vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Nhấn mạnh những kết quả tích cực đã đạt được về tình hình phát triển KTXH trong năm 2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Quốc hội đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ; biểu dương những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân... Tuy nhiên tình hình đất nước còn không ít khó khăn, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới còn rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2017, tạo thế và lực cho năm 2018 và những năm tiếp theo.

Điểm qua những nội dung chủ yếu của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ tiếp tục thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến góp phần thành công cho kỳ họp, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Trước thềm kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:

Theo số liệu Chính phủ báo cáo với UBTVQH thì tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,7%; 13/13 chỉ tiêu cụ thể dự kiến cũng sẽ đạt mục tiêu QH đề ra. Đây là kết quả rất tích cực, rất ấn tượng, nhất là trong điều kiện, nước ta liên tục xảy ra thiên tai, lũ lụt, hạn hán… như mấy năm trở lại đây.

Tuy nhiên, câu chuyện cần quan tâm hơn là, cái gì làm nên tăng trưởng như vậy? Động lực thực sự của tăng trưởng nằm ở đâu? Tốc độ tăng trưởng cao nhưng tăng trưởng thế nào cho hiệu quả? Tín dụng tăng trưởng 9 tháng đạt 11% là rất tốt nhưng vào lĩnh vực nào?... 

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, chất lượng tăng trưởng không phải là việc đạt hay không đạt, muốn đạt cũng được, không đạt cũng không sao mà liên quan đến cả một chiến lược phát triển của đất nước trong tương lai. Trước kỳ họp của Quốc hội, Ban Chấp hành Trung ương đã họp bàn về tăng trưởng kinh tế. Nghị quyết của Đảng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu về chất lượng tăng trưởng. Vì thế, đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm của cả Quốc hội và Chính phủ. Nếu có ách tắc về thể chế pháp luật thì Quốc hội phải tháo gỡ, phải mở đường, bảo đảm thông thoáng và minh bạch để Chính phủ thực hiện nhưng nếu nguyên nhân, lực cản thuộc về chủ quan thì Chính phủ phải tập trung xử lý.

Đổi mới tổ chức bộ máy - thấu đáo và khoa học

Về đổi mới tổ chức bộ máy, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trong thời gian Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các địa phương, bộ, ngành thì Ban chỉ đạo Đề án về tiếp tục đổi mới tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị cũng tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo hoàn thiện Đề án để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII.

Có nhiều nội dung của Đề án liên quan đến giám sát này và đã được Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ngay vào báo cáo giám sát. Nói cách khác, tinh thần, tư tưởng tiếp tục đổi mới tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị đã được Đoàn giám sát cập nhật ngay trong quá trình giám sát chứ không phải chờ đến sau Hội nghị Trung ương 6.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát tối cao này. Đây là điều kiện rất thuận lợi vì chúng ta sẽ đưa ngay được những quan điểm đổi mới của Đảng vào Nghị quyết của Quốc hội, thể chế hóa tư tưởng, quan điểm, chỉ đạo của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy, đẩy nhanh tiến độ đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Đoàn giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị mạnh mẽ. Cần lưu ý rằng, đổi mới mạnh mẽ không có nghĩa là làm ào ào, tạo ra sự xáo trộn trong hệ thống. Quan điểm của Trung ương là cái gì chưa làm, chưa rõ thì thận trọng, từng bước, thí điểm, cái gì rõ rồi thì áp dụng ngay, làm ngay. Kết luận giám sát tối cao của Quốc hội cũng phải trên tinh thần này. Chúng ta đã có những bài học về việc tách, nhập các cơ quan. Vì vậy phải thấu đáo, thận trọng, bàn bạc kỹ lưỡng và có phương pháp khoa học. Cái gì đụng đến luật thì phải tổng kết đánh giá tác động cho thấu đáo mới sửa. Có như vậy thì đổi mới tổ chức bộ máy hành chính nhà nước mới hiệu quả và vững chắc được.

Quyết liệt cải cách thủ tục, xử lý "giấy phép con"

Về phá bỏ “sức ý trong đội ngũ cán bộ công chức” ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Quản lý nhà nước vừa qua thì “ông” nào cũng muốn giữ quyền chi phối, tư duy quản lý vẫn nặng về quyền anh, quyền tôi, từ đó mà “đẻ” ra rất nhiều giấy phép. Có một bộ đã “đẻ” ra tới hơn 600 giấy phép con. “Trên thông dưới bí” là vì thế. Bộ, ngành nào cũng muốn giữ quyền thì kìm hãm chứ làm sao phát triển được?

Để phá bỏ sức ỳ này thì Chính phủ, Quốc hội phải rà soát, củng cố và hoàn thiện hành lang pháp lý cho người dân và doanh nghiệp hoạt động. Nếu “anh” vi phạm thì xử lý theo luật, nhưng người ta làm ăn chính đáng thì không được phép gây phiền hà, khó khăn cho dân.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cơ chế, chính sách của chúng ta không thiếu, cũng không thua kém ai. Cái kìm hãm chính là thủ tục hành chính, là "giấy phép con"… Phải tập trung tháo gỡ nút thắt này.

Thực tế, Chính phủ đang rất quyết liệt xử lý vấn đề này. Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác, làm việc với từng bộ một. Bản thân Thủ tướng cũng thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho họ. Với tinh thần như vậy, ông Nguyễn Hạnh Phúc tin là chúng ta sẽ tạo được chuyển biến tốt. 

* Theo chương trình dự kiến, trong 26 ngày làm việc, bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, Quốc hội còn tập trung thời gian cho việc thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian xem xét, quyết định về vấn đề nhân sự.

Thông qua 6 luật, 12 nghị quyết

Tại buổi họp báo, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh nêu rõ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 11 ngày làm việc để xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến về các dự án Luật.

Cụ thể, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thông qua 6 dự án Luật, 12 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án Luật khác.

Các dự án Luật được xem xét thông qua gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số diều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Các dự án Luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật đo đạc và bản đồ; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 15 ngày làm việc để tiến hành công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, về các vấn đề kinh tế- xã hội, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2018; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số dự án quan trọng của đất nước như Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông.

Tiến hành giám sát tối cao về cải cách bộ máy

Về hoạt động giám sát của Quốc hội, do đây là kỳ họp cuối năm nên Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét các báo cáo công tác.

Trong đó Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Trong đó có một số báo cáo lần đầu được thảo luận tại kỳ họp như Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017; Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016.

Sẽ chất vấn dài hơn

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội cũng dành 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn.

Về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chất vấn duy trì 3 ngày, dù không tăng số lượng thành viên Chính phủ nhưng sẽ chất vấn dài hơn để các đại biểu Quốc hội có điều kiện trao đổi kỹ hơn, sâu hơn, nhiều hơn về các vấn đề mà nhân dân quan tâm.

Phê chuẩn bổ nhiệm 2 “tư lệnh” ngành

Về công tác nhân sự, dự kiến từ 16h15 ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. Tiếp đó, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Chiều 25/10, Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi có kết quả kiểm phiếu, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ...

Ngày 26/10, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Kỳ họp “3 mới”

Theo Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trong công tác tổ chức kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV trên cơ sở kinh nghiệm từ các kỳ họp Quốc hội trước đây, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới trong công tác tổ chức kỳ họp.

Một là, tiếp tục giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận. Cụ thể, tại kỳ họp này, các báo cáo tóm tắt được trình bày trước Quốc hội sẽ được bảo đảm kéo dài không quá 15 phút để dành nhiều thời gian cho đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận về các nội dung của các dự án, báo cáo.

Hai là, thời gian thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 được tăng lên thành 2,5 ngày làm việc.

Việc bố trí thêm thời gian thảo luận về nội dung này là nhằm tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội có thể trình bày thêm được nhiều ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước.

Ba là, tăng thời gian truyền hình trực tiếp các nội dung của kỳ họp. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhằm góp phần thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác về các hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đến đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, Văn phòng Quốc hội tiếp tục tổ chức và vận hành Trung tâm Báo chí kỳ họp.

Để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, nắm bắt kịp thời nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp, trong chương trình nghị sự, Quốc hội dự kiến bố trí 11 ngày trong tổng số 26 ngày làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp về 13 nội dung, trong đó có 2 nội dung lần đầu tiên bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội đó là việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV