Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

PV| 07/03/2017 16:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (7/3), Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017-2022 với chủ đề “Đoàn kết-Đổi mới-Bình đẳng-Hội nhập” đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022 đã khai mạc sáng nay (7/3)

1.153 đại biểu đại diện cho ý chí, niềm tin và nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ trên khắp các vùng, miền của Tổ quốc đã về dự Đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã tới dự.

Cùng dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương trong cả nước; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị lão thành cách mạng, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; các đồng chí lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ.

Đại hội vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, vị thế của phụ nữ

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XI Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả, hạn chế và nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm thật sự sâu sắc qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI; tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2017-2022; thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XII thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ to lớn của phong trào phụ nữ và công tác Hội trong thời gian tới.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XI trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII cho thấy nhiệm kỳ qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đoàn kết, tập hợp, vận động, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

Có 1.153 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

Điểm nhấn đáng chú ý trong nhiệm kỳ vừa qua là các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động ủy thác, hỗ trợ tiếp cận vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các hoạt động tài chính vi mô, các cấp Hội đã giúp trên 2,4 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, trong đó 430 nghìn hộ đã thoát nghèo. Các cấp Hội đã vận động được trên 1.000 tỷ đồng để thường xuyên chăm lo các gia đình chính sách, gia đình các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; thăm hỏi kịp thời các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai; vận động, xây dựng, sửa chữa gần 20.000 mái ấm tình thương (vượt 97% chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ đề ra).

Nhiệm kỳ 2012-2017, các cấp Hội đã đề xuất thành công 119 chính sách, trong đó có những chính sách tác động tích cực tới đời sống của phụ nữ, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Điển hình là chính sách giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ nữ cấp cơ sở; hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số…

Nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống, tiềm năng, sức sáng tạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp Hội tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đàm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…

Các cấp Hội sẽ đẩy mạnh thực hiện hai khâu đột phá: Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ; nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ. Đồng thời, các cấp Hội tập trung thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân.

Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn; thúc đẩy, khích lệ thần khởi nghiệp, liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động tham gia giải quyết những vấn đề của chính mình, của gia đình cũng như toàn xã hội. Đồng thời, Hội sẽ tạo các diễn đàn để chị em trực tiếp tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua giám sát, phản biện xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước các vấn nạn bạo lực, xâm hại sẽ được quan tâm hơn nữa với sự lên tiếng mạnh mẽ của hệ thống Hội và huy động sự tham gia của toàn xã hội.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích to lớn của phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo Tổng Bí thư, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa quan trọng. Phụ nữ cả nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua 30 năm đổi mới, quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhằm đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững, phồn vinh và hạnh phúc.

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng phát biểu chị đạo tại Đại hội

Nhấn mạnh, bước vào thời kỳ mới, thời cơ và thuận lợi rất lớn nhưng cũng có những thách thức đặt ra đối với phong trào phụ nữ và công tác Hội, chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho phong trào phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam rất nặng nề, Tổng Bí thư Nguyến Phú Trọng đã gợi mở một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.

Thứ nhất, Hội cần nắm vững và quán triệt sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết có liên quan cũng như thực tiễn hoạt động của phong trào phụ nữ và hội phụ nữ để có những biện pháp cụ thể đưa những tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động, thuyết phục các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời chăm lo bảo vệ phẩm giá, quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.

Thứ hai, Hội cần tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động để thu hút đông đảo chị em tham gia, đóng góp công sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như chủ động giải quyết những vấn đề của chính phụ nữ ngay từ cơ sở. Cần nghiên cứu phát động nhiều phong trào thiết thực hơn nữa nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, động viên phụ nữ thực hiện các phong trào thi đua do Hội phát động.

Thứ ba, nâng cao vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng gia đình; đặc biệt quan tâm xây dựng gia đình văn hoá, no ấm, hạnh phúc, tiến bộ; chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Thứ tư, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong giai đoạn mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có phương pháp vận động phụ nữ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua hoạt động thực tiễn.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, của các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để củng cố tổ chức Hội thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Đa dạng hóa nội dung hoạt động nhằm đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ. Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư; cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, phô trương, hành chính hoá trong hoạt động của Hội.

Thứ sáu, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, đề cập đến một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và hoan nghênh. Hội LHPN Việt Nam cần tổ chức thật nghiêm túc việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị tới toàn thể cán bộ, hội viên của Hội.

Đồng thời, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đi sâu giáo dục, bồi dưỡng, động viên hội viên phát huy quyền làm chủ, tích cực thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động chính trị-xã hội với đầy đủ trách nhiệm của người làm chủ. Kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống, chủ động phát hiện và tham gia đấu tranh ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong xã hội, ngăn ngừa những tiêu cực ngay chính trong gia đình mình, trong những người thân của mình.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Xây dựng trong toàn xã hội thái độ tôn trọng, tôn vinh, bảo vệ phụ nữ; phong cách ứng xử văn minh, văn hoá đối với phụ nữ. Chú trọng tuyên truyền gương phụ nữ điển hình tiên tiến; phê phán, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII