Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp

congly.com.vn| 13/04/2012 10:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày này, ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, biểu dương hơn 90 triệu người hiến máu tình nguyện và kêu gọi mọi người cùng tham gia hiến máu. Tại Việt Nam, hoạt động này cũng đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiến máu là một hoạt động diễn ra ở hầu hết các địa phương

Nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã tình nguyện hiến máu cứu người, năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Truyền máu quốc tế và Hiệp hội các tổ chức người hiến máu quốc tế đã thống nhất lấy ngày 14-6 hàng năm là Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu. Đây cũng là dịp để thế giới tưởng nhớ người đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO - góp phần to lớn thúc đẩy sự phát triển của truyền máu - GS. Karl Landsteiner người Áo, ông sinh ngày 14-6-1868.

Các nước thành viên của WHO đã thống nhất đây là một sự kiện quan trọng được tổ chức hàng năm, đánh dấu bằng các hoạt động nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những người đã hiến máu, hiến máu nhiều lần và để khích lệ những người khoẻ mạnh khác cùng tham gia hiến máu cứu người…

Tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 24-1-1994, phong trào hiến máu tình nguyện được khởi xướng từ Viện Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai. Người khởi xướng phong trào khi đó là GS.TSKH. Đỗ Trung Phấn, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai. Chỉ 1 năm sau, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp trong cả nước do tính nhân văn và sự cần thiết của nó.

17 năm đã qua, phong trào hiến máu ngày càng được củng cố và phát triển. Từ chỗ nguồn máu chủ yếu là người bán máu thì nay, năm 2010, cả nước đã có gần 85% là người hiến máu tình nguyện. Năm 2010, thu được 675.772 đơn vị máu, tỷ lệ sử dụng túi máu thể tích trên 350ml đã đạt 32%.

Để có được sự thành công này, phải kể đến những nỗ lực không mệt mỏi của chuyên khoa Huyết học - Truyền máu mà đứng đầu là Viện Huyết học - Truyền máu trong phong trào vận động hiến máu tình nguyện; sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự tham gia của các tổ chức Đoàn thể: Hội Chữ thập đỏ, Hội Thanh niên, Hội Sinh viên…

Từ năm 2007, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức Hành trình trái tim nhân ái đưa 100 người hiến máu tiêu biểu cả nước về dự Lễ tôn vinh cấp Quốc gia tại Hà Nội. Đây là dịp để gặp gỡ, chia sẻ với những người hiến máu trên 100 lần, với những gia đình đóng góp hàng trăm đơn vị máu, với những cá nhân vận động được hàng trăm đơn vị máu... Năm 2011 là năm thứ năm, hoạt động tôn vinh những người hiến máu được tổ chức rộng khắp tại nhiều tỉnh, thành phố.

Ở cấp quốc gia, chương trình tôn vinh lần thứ 5 được tổ chức với các hoạt động như Hành trình trái tim Việt Nam, Lễ tôn vinh cấp quốc gia... Một trăm người hiến máu tiêu biểu từ 63 tỉnh, thành phố đã được lựa chọn để tôn vinh. Trong số 100 người được tôn vinh năm nay, có 37 người tham gia hiến máu từ 11 đến 31 lần; 10 người hiến từ 31 đến 50 lần và 3 người đã tham gia hiến máu từ 51 đến 63 lần đều ở Tp. Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: Tại thời điểm này, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thường xuyên có khoảng 550 đến 600 bệnh nhân đến điều trị, trong số đó khoảng 95% là cần truyền máu, sử dụng máu. Những bệnh nhân này phải có máu mới sống, không có máu thì rất dễ tử vong.

Hiện Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương không chỉ cung cấp máu cho riêng Viện mình mà còn cung cấp máu cho khoảng 70 bệnh viện tại Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Nhìn chung, lượng máu hiện mới đảm bảo được 50%-60% trong điều kiện bác sĩ dùng rất tiết kiệm, nếu sử dụng theo đúng yêu cầu thì chỉ đáp ứng được 40%, thậm chí dưới 40%. Chính vì vậy cần có sự vào cuộc của nhiều người hơn nữa.

Phương Dung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp