Hàng loạt phí giao thông đường bộ: Doanh nghiệp khó sống

10/05/2012 20:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại hội thảo “Phí giao thông đường bộ - Thuận lợi và khó khăn của DN” tổ chức ngày 9-5 tại TP.HCM, hàng loạt ý kiến đưa ra dư luận nhằm phản biện và cho rằng thu phí bảo trì đường bộ cần dựa trên tính hợp pháp, hợp lý, hiệu quả, công bằng và minh bạch.

Được biết trước đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ GTVT lùi thời hạn thực hiện thu phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP đến ngày 1-1-2013 thay vì 1-6-2012.  Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải cho rằng, việc áp dụng thu phí không phù hợp với thực tế trong điều kiện kinh tế khó khăn sẽ góp phần bóp chết DN và đè nặng khó khăn cho người dân.

Phí giao thông chiếm hơn 18% doanh số

Ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam VIFFAS, cho biết thêm hiện nay, chi phí logistics ở Việt Nam còn cao so với một số nước trong khu vực. Hiện cả nước có hơn 1.000 DN kinh doanh trong ngành Logistics (loại hình dịch vụ tổng hợp giao nhận kho vận), là những DN chịu tác động trực tiếp từ chủ trương thu phí đường bộ.

Hàng loạt phí giao thông đường bộ: Doanh nghiệp khó sống

Quá nhiều loại phí giao thông là gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, xe tải, sơmi rơmoóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng từ 27 tấn trở lên có mức đóng cao nhất 1,44 triệu đồng/tháng. Ông Đỗ Xuân Phú, Công ty Vận tải Minh Liên đặt vấn đề: Đối với nhóm xe đầu kéo sơmi rơmoóc, Nghị định quy định vừa đánh phí trên cả đầu phương tiện là “máy kéo”, vừa đánh trên “sơmi, sơmi rơmoóc được kéo bởi ô tô, máy kéo” là vô lý và không phù hợp với thực tế hoạt động của loại phương tiện này. Như vậy là vừa đánh phí trên cả đầu phương tiện là máy kéo, vừa đánh trên rơmoóc, sơmi rơmoóc được kéo bởi ô tô, máy kéo là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của loại phương tiện này. Bản thân sơ mi rơ moóc là thiết bị cơ, nếu không gắn động cơ, không thể tự hành được…

Ông Lê Thành Thao (Công ty Vận tải Quang Châu) cho biết, hiện nay các DN vận tải đang phải gánh chịu quá nhiều các khoản phí nên khó khăn chồng chất. Trên đoạn đường từ Bình Dương đến Bình Phước cách chưa đến 100km đã có 3 trạm thu phí. Từ cảng Cát Lái, Tp. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ với cự ly khoảng 190km nhưng có đến 5 trạm thu phí. Chỉ tính riêng phí đường bộ, với hơn 300 phương tiện các loại, mỗi tháng Công ty Quảng Châu phải đóng hơn 230 triệu đồng, cả năm đóng hơn 2,7 tỉ đồng.

Chủ nhiệm một HTX vận tải chia sẻ: "Các DN vận tải đang “gồng” mình gánh các khoản phí: Phí vào cảng 15.000 đồng/tấn, phí bốc xếp 13.000 đồng/tấn, phí kho bãi 8.000 đồng/tấn, phí mãi lộ cầu đường… chưa hết, nhiều DN còn phải bỏ 5- 7 triệu đồng/ tháng mua đường cho một chuyến xe từ Biên Hòa- Cảng Khánh Hội... Rất nhiều loại phí, trong khi cước vận tải hàng hóa thấp, chỉ có 90.000 đồng/tấn từ Tp. Hồ Chí Minh đi Đồng Nai, nếu chở đúng tải thì không đủ để đóng phí. Nên hầu như DN nào cũng phải chở quá tải".

Riêng việc xử lý xe quá tải làm hàng chục năm nay mà vẫn chưa có hiệu quả. Những chi phí đóng phạt này dồn hết lên vai DN và tài xế. Trong đó, 70% trích cho Công an giao thông. Không DN nào muốn chở quá tải để rồi bị phạt nhưng với mức giá trung bình hiện nay chỉ có 80.000 đồng một tấn thì DN sao “sống” nổi, nên buộc phải chở quá tải.

Không thực tế

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh cho rằng việc ban hành Nghị định 18 là không thực tế. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, người dân đã chấp nhận đóng phí giao thông tại các trạm thu phí nhưng không phải vì thế mà làm…tới, bắt dân đóng phí vô tội vạ.

“Theo khoản 2, Điều 49 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nguồn quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm và các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Tại khoản 1, Điều 5, Nghị định 18 lại quy định phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Như vậy Nghị định 18 đã “đẻ ra" một khoản mà Luật Giao thông đường bộ không quy định”, TS Trần Du Lịch phân tích về vấn đề thu phí bảo trì đường bộ.

Cũng về khía cạnh này, ông Đinh Nam Dinh - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh - cho rằng theo Luật Giao thông đường bộ, quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ nguồn phân bổ của ngân sách nhà nước, sau đó mới tới nguồn thu liên quan tới sử dụng đường. Nhưng theo nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, nguồn đầu tiên được nhắc tới để hình thành quỹ lại là thu từ đầu các phương tiện. Ông Dinh đặt câu hỏi: “Phải chăng do chi phí xây dựng đường quá cao nên nguồn hình thành quỹ bảo trì từ ngân sách bị xem nhẹ? Dự thảo thông tư giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính chỉ chăm chăm tới nguồn thu phí từ các phương tiện giao thông?”.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói việc thu phí bảo trì đường bộ cần được tính toán hợp lý, hợp pháp, hợp tình để nhận được sự ủng hộ của người dân và DN. Tính hợp lý hay không thể hiện ở mục đích thu, mức thu, thời điểm thu, cách thu. Đồng thời phải xác định rõ thu rồi thì tiền sẽ được dùng như thế nào và phải có cơ chế giám sát, xử lý sai phạm. Luật sư Nghĩa nói: “Việc thu phí phải minh bạch và phải có cơ chế chịu trách nhiệm. Nếu thu phí nhưng việc sử dụng không hiệu quả, đường sá vẫn xấu thì phải có người từ chức”.

Hiệu qủa của việc thu phí bảo trì đường bộ?

Ông Nguyễn Ngọc Lự - một người làm lâu năm trong ngành vận tải, hiện Việt Nam đã thu phí xăng dầu (nay đổi tên thành thuế môi trường) nhưng thu được bao nhiêu, đã chi như thế nào thì chưa được công bố rõ ràng nên người dân không yên tâm khi tiếp tục phải đóng thêm phí bảo trì.

Nhiều DN cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT khi áp dụng thu phí bảo trì đường bộ cần phải đánh giá đúng nguyên nhân, tác nhân làm hư hỏng hạ tầng giao thông và phân biệt rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Đồng thời phải đưa ra lý do, cơ chế quản lý sử dụng quỹ bảo trì đường bộ một cách rõ ràng minh bạch.

Các DN cho rằng mức phí bảo trì đường bộ đang được đề xuất là quá cao và mang tính chủ quan, muốn tận thu của dân. Mức phí cao như vậy dựa trên cơ sở nào?

Còn nhiều bất cập khác trong đề xuất thu phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT được các DN điểm tên như: việc đánh đồng thu theo đầu phương tiện khiến các xe dù có sử dụng đường hay không cũng phải đóng phí. Cách thu phí theo kỳ đăng kiểm hoặc theo chu kỳ từ ba tháng trở lên sẽ khiến nhiều DN phải đi vay tiền để đóng phí... Các đại biểu dự hội thảo kiến nghị Bộ GTVT cần tính toán nên thu phí bảo trì qua xăng dầu (có biện pháp hoàn phí cho những phương tiện dùng xăng dầu nhưng không tham gia giao thông) thay vì thu qua đầu phương tiện để đảm bảo công bằng. Mặt khác, nếu đã đóng phí bảo trì mà đường xấu gây tai nạn thì chủ phương tiện có được bồi thường không cũng là câu hỏi mà các DN đang chờ được trả lời.

Về chủ trương thu phí hạn chế xe cá nhân, TS Trần Du Lịch cho rằng việc thu phí là cần thiết. Tuy nhiên, nếu thu phí mà vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu đi lại thì 80% còn lại vẫn buộc phải đóng phí để dùng xe cá nhân. Như vậy phải đặt lại câu hỏi thu phí để hạn chế xe cá nhân hay chỉ để thu tiền.

Thái Văn

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt phí giao thông đường bộ: Doanh nghiệp khó sống