ĐB Nguyễn Mai Bộ: Thẩm phán là người chịu giám sát nhiều nhất trong đội ngũ công chức

Nguyên Bình| 17/11/2017 16:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những nhọc nhằn, áp lực của Thẩm phán ít được sự chia sẻ, cảm thông hơn là nhưng lỗi lầm hay tiêu cực (dù số ít) mà họ mắc phải, điều này đã được một số ĐBQH đề cập trong phiên thảo luận vừa qua.

Bên hành lang Quốc hội PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực, Ủy ban Quốc phòng và An ninh xung quanh những ý kiến này.

PV: Thưa ông, vừa qua có ý kiến của đại biểu về những hiện tượng tiêu cực trong hệ thống tư pháp, trong đó có Tòa án dù không có đối tượng hay địa chỉ cụ thể. Từng nhiều năm công tác trong ngành Tòa án, vậy quan điểm của ông  về vấn đề này như thế nào?

ĐB Nguyễn Mai Bộ: Với cách đặt vấn đề như vậy của các đại biểu và với tư cách của một người từng làm trong ngành Tòa án 27 năm, theo tôi là chưa đúng và chưa đủ. Vì đại biểu phát biểu như vậy thì tôi có nguy cơ là không có quyền tự hào rằng mình từng có 27 năm cống hiến cho ngành Tòa án. Tôi khẳng định tôi đã cống hiến trong sạch và có thật nhiều nỗ lực để đóng góp cho Tòa án.

Tôi cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề theo cách khách quan và công bằng hơn. Trong số đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta thì đội ngũ công chức Tòa án đặc biệt là Thẩm phán chịu sự giám sát nhiều nhất, giám sát cả cơ chế tiền kiểm và cơ chế hậu kiểm. Đó là, cơ chế tiền kiểm tại phiên tòa trước khi ban hành một bản án, Thẩm phán bị Kiểm sát viên giám sát, bị những người tham gia tố tụng giám sát. Trong đó, đặc biệt có 2 đối tượng là Kiểm sát viên và Luật sư với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ cho các đương sự, họ là những người có kiến thức pháp luật rất cao, cùng với đó là đội ngũ phóng viên báo chí tham dự những phiên tòa công khai. Còn theo cơ chế hậu kiểm có thể nói là Kiểm sát viên bị Viện Kiểm sát cùng cấp, Viện Kiểm sát cấp trên, bị Tòa án cấp trên giám sát.

Thời hạn giám sát này là vô thời hạn vì 2 lý do: Thứ nhất là đối với các vụ án hình sự theo Điều 278 và 295 của Bộ luật Tố tụng hình sự thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm và kháng nghị tái thẩm đối với các vụ án hình sự nhất là trong trường hợp giám đốc thẩm khi oan sai thì thời hạn kháng nghị là không hạn chế. Kể cả trường hợp người bị kết tội oan đã chết vẫn phải kháng nghị.

Thứ hai là, theo Điều 334  Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đối với án dân sự, kinh tế, lao động gọi chung là các vụ án dân sự là 5 năm. Nhưng Điều 355 của Bộ luật này lại không quy định thời gian người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi nào thì họ hết quyền kháng nghị. Bởi vì, chỉ quy định thời hạn kháng nghị là 1 năm kể từ khi những người đó biết được sự việc, khi nào họ biết được sự việc thì Luật Tố tụng dân sự hiện nay quy định họ được toàn quyền.

Chính vì vậy, các Thẩm phán sẽ  không bao giờ cố tình làm sai.

PV: Ngoài vấn đề trên, Thẩm phán còn phải chịu áp lực nào khác không thưa ông?

ĐB Nguyễn Mai Bộ: Thẩm phán hiện nay đang phải chịu quá nhiều áp lực, cần sự sẻ chia của không chỉ của các đại biểu mà của cả nhân dân.

Với nhiệm vụ hiện nay thì Tòa án có chức năng xét xử 3 loại án: hình sự; dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình; án hành chính. Tôi xin phân tích kết quả trong năm 2017 Tòa án xét xử là 60.048 vụ, 100.077 bị cáo. Với số lượng án lớn như vậy nhưng chỉ có 0,45% vụ án bị hủy do lỗi chủ quan. Mà lỗi chủ quan ở đây được ngành Tòa án đánh giá đó là lỗi của cá nhân Thẩm phán, chỉ có 1,09% là sai do lỗi chủ quan của Tòa án.

Trước đây tôi cũng từng công tác tại Hội đồng Thi đua- Khen thưởng TANDTC nên rất rõ điều này. Theo quy định, 1 Thẩm phán có án bị hủy, sửa, đặc biệt là hủy, còn bị sửa thì chỉ bị sửa 0,7% đã không được xét thi đua, chưa nói đến Quy chế quy định là tổng kết lại nếu quá 1,16% trên tổng vụ án đã xét xử thì Thẩm phán bị dừng không được tái bổ nhiệm. Những quy định này được Hội đồng Thi đua- Khen thưởng TANDTC làm rất chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận trong ngành Tòa án cũng có tiêu cực, nhưng tiêu cực đó chỉ nằm ở một số lượng nhất định, là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Đối với án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, 2 bên là bên bị và bên nguyên thì chúng tôi khẳng định không bao giờ Tòa án xét xử mà được lòng tất cả. Bên thắng thì họ ca ngợi Tòa án, còn bên kia thua thì đương nhiên họ sẽ không ca ngợi, thậm chí họ còn cho rằng có tiêu cực.

Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, trong hoạt động xét xử của Tòa án có rất nhiều gương sáng cũng như áp dụng triệt để tinh thần cải cách tư pháp vào mỗi phiên tòa. Vụ án Trương Hồ Phương Nga, do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử và  vụ án VN Pharma do Tòa án cấp cao TP Hồ Chí Minh xét xử vừa qua là một ví dụ điển hình cho nguyên tắc tranh tụng rõ nét. Kết quả tranh tụng đó đã đưa ra phán quyết, chúng tôi thấy rất hài lòng.

Nếu như chúng ta nói là phần đa hoặc rất nhiều Tòa án có tiêu cực như vậy thì phải chăng là chúng ta làm đau lòng nhiều cán bộ, Thẩm phán tâm huyết, liêm chính.

Tôi biết có những cán bộ như Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan, TAND quận Đống Đa vì xét xử một vụ án dân sự cho một bên thắng, và bên thua trong vụ tranh chấp đất đai đó đã hắt cả một ca axit và mặt Thẩm phán. 12 năm chữa trị, 41 lần phẫu thuật mà đến bây giờ gương mặt cũng chỉ lấy lại được phần nào thôi, khiến chúng tôi thấy rất đau lòng.

Chúng tôi cho rằng, giá như các đại biểu đưa ra được những vụ án có địa chỉ cụ thể và cái sai, cái tiêu cực ấy của Thẩm phán nào thì sẽ thuyết phục hơn và cũng giúp cho ngành Tòa án chấn chỉnh những sai phạm. Lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ, gần đây nhất là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trước đây làm Chánh án TANDTC và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình hiện tại đã rất nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ sai phạm.

Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐB Nguyễn Mai Bộ: Thẩm phán là người chịu giám sát nhiều nhất trong đội ngũ công chức