Công bố 6 Luật mới được Quốc hội thông qua

Mai Thoa| 12/07/2017 13:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 Luật vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua.

Bao gồm: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật quản lý ngoại thương,  Luật chuyển giao công nghệ, Luật du lịch, Luật đường sắt và Luật thủy lợi.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng

Luật hỗ trợ DNVVN gồm 4 chương, 35 điều quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ DNNVV; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến hỗ trợ những DN này. Tiêu chí xác định DNNVV, Luật sử dụng 3 tiêu chí là: số lao động, doanh thu và vốn. Trong đó số lao động tham gia đóng BHXH (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng).

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, Luật quy định về việc hỗ trợ các DN này  về việc tiếp cận vốn tín dụng. Theo đó, đối với tín dụng vốn thương mại, Luật quy định từng thời kỳ Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; bổ sung quy định các tổ chức tín dụng cho vay đối vowsiDNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm DN và biện pháp phù hợp khác. Đồng thời các DN được hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng, vì trên thực tế thời gian qua, đa số DNNVV khó tiếp cận vốn vì năng lực quản trị hạn chế, năng lực tài chính hạn chế; không có tài sản đảm bảo; phương án kinh doanh kém khả thi…

Bên cạnh đó, luật cũng quy định các hình thức hỗ trợ khác đối với DNNVV như: mặt bằng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, thuế…

Nhiều điểm mới trong Luật đường sắt 2017

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Luật đường sắt được công bố đợt  này cũng đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật đường sắt ban hành năm 2005 và đặc biệt có nhiều điểm mới được bổ sung.

Điểm mới quan trọng được bổ sung trong Luật lần này là trong quản lý hạ tầng đường sắt, bổ sung quy định cụ thể các chủ thế trong quản lý Nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng, đường sắt là cơ quan Nhà nước. Bộ GTVT thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với tài sản hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. Cùng với đó, quy định về công  nghiệp đường sắt là quy định mới được bổ sung trong Luật, bao gồm các quy định về yêu cầu phát triển công nghiệp đường sắt, đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu ứng dụng khoa học công  nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công  nghệ tròn công nghiệp đường sắt.

Liên quan đến đường sắt đô thị, Luật đã bổ quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, hệ thống kiểm soát vé, quản lý đường sắt an toàn đô thị, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý. Điểm mới của Luật này nữa là các quy định về đường sắt tốc độ cao, cũng như các chính sách phát triển loại hình đường sắt này cũng như việc khai thác vận hành….

Với 10 chương, 87 điều, và đầy đủ các quy  định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, Luật đường sắt 2017 kỳ vọng sẽ có những tác động thay đổi của ngành đường sắt hiện nay.

Ngăn chặn công nghệ lạc hậu bị nhập khẩu vào Việt Nam

Chuyển giao công nghệ là vấn đề không mới nhưng luôn nóng trong  giai đoạn hiện nay với lo ngại Việt Nam sẽ là “bãi rác” công nghệ của thế giới. Luật chuyển giao công nghệ được công bố đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về vấn đề này.

Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Để thúc đẩy hoạt động này, Luật đã quy định chính sách cụ thể đối với từng luồng chuyển giao, đồng thời bổ sung một số chính sách ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh…

Luật cũng sửa đổi tiêu chí xây dựng danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục hạn chế chuyển giao và danh mục công nghệ cấm chuyển giao. Và để tăng cường quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, Luật quy định chặt chẽ hơn đối với chuyển giao công nghệ không thuộc danh mục hạn chế, cấm chuyển giao. Theo đó Điều 31 quy định bắt buộc đăng ký đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và cả việc chuyển giao trong nước. Đáng chú ý Luật cũng bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích DN ứng dụng, đổi mới công nghệ của DN bằng cách hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho DN đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D;…

Trước một số ý kiến tỏ ra băn khoăn là Luật đã trao cho Bộ Công Thương rất nhiều quyền hạn, dễ dẫn đến “lợi ích nhóm”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay,  việc ban hành Luật này nhằm mục đích giúp cho đảm bảo hoạt động quản lý về ngoại thương, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực pháp lý, bảo đảm hội nhập quốc tế và đã được các đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua. Để triển khai Luật phải ban hành 5 Nghị đinh, lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp, địa phương, nhân dân nên chắc chắn sẽ không có lợi ích nhóm.

Liên quan đến đến câu hỏi nỗi lo nhập khẩu công nghệ lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường Việt Nam, ông Hải cho biết thêm, việc điều chỉnh pháp luật về chuyển giao công nghệ với mục đích vận hành tốt nhưng phải bảo vệ môi trường. Do vậy Luật đã bổ sung thêm quy định rất chặt chẽ là việc yêu cầu nhập khẩu thiết bị dây chuyền máy móc đi kèm với công nghệ- đây là những điều kiện để ngăn chặn tiền ẩn ô nhiễm môi trường do việc này gây ra.

Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, đây là một nội dung sửa đổi quan trọng của Luật du lịch. Việc thành lập Quỹ sẽ tạo ra nguồn kinh phí lớn hơn cho các hoạt động xúc tiến du lịch, tạo cơ chế chủ động hơn trong việc quản lý, sử dụng kinh phí này nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, xây dựng, phát triển, kinh doanh các sản phẩm du lịch có chất lượng, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư và đáp ứng nhu cầu của thị trường, Luật bổ sung quy định về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và phát triển du lịch cộng đồng.

Công bố 6 Luật mới được Quốc hội thông qua

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại buổi công bố

Luật Du lịch 2017 đã chú trọng hơn để việc bảo đảm chất lượng dịch vụ thông qua việc quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, chuyên nghiệp hoá hoạt động kinh doanh lữ hành... Đáng chú ý là việc bổ sung thêm quy định khách du lịch có nghĩa vụ ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch để giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam.
Chuyển từ “phí” sang “giá” sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi

Về Luật thủy lợi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, một điểm mới đáng chú ý của Luật là quy định chuyển “phí” sang “gía” sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi hướng tới cung cấp dịch vụ thuỷ lợi tốt hơn.

Theo Bộ trưởng, cơ chế giá quy định tại Luật là cơ sở pháp lý để thu đúng, thu đủ từ các dịch vụ thuỷ lợi phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu cho ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình thuỷ lợi cho khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa...Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động thuỷ lợi, tạo động lực cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tốt hơn và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài việc bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình thì việc bảo vệ chất lượng nước trong công trình cũng được quan tâm đặc biệt, theo đó Luật quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm chất lượng nước trong công trình thuỷ lợi. Luật quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm và hoạt động phải có giấy phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi...

Luật Thuỷ lợi gồm 10 chương và 60 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố 6 Luật mới được Quốc hội thông qua