Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Mai Thoa| 17/09/2016 15:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 17/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ nhất. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương cho biết, thực hiện chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp...” đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thông qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 343-QDNS/TW/2016 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 19 đồng chí.

Để có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ đạo tổ chức Phiên họp này để thảo luận, cho ý kiến về: Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021; Những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020.

Về Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước cho biết, đây là văn bản xác định nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo; nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo và việc tổ chức các phiên họp; tạo cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc Bộ Chính trị về công tác CCTP trong cả nhiệm kỳ. Các đồng chí ủy viên chuyên trách và Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Dự thảo dựa trên cơ sở kế thừa Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2011 - 2016; cập nhật đầy đủ các quy định của Bộ Chính trị về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; sửa đổi một số quy định không còn phù hợp và điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số thành viên phù hợp với cơ cấu, số lượng thành viên Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định của Bộ Chính trị.

Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương

Đối với nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016-2020, Dự thảo được xây dựng trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo CCTP nhiệm kỳ 2011 - 2016 nêu trong Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2011 - 2016 trình Bộ Chính trị cho ý kiến tại phiên họp ngày 30/3/2016; cập nhật các chủ trương, đường lối về CCTP nêu trong văn kiện Đại hội lần thứ XII cùa Đảng và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại phiên họp về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Ban Chỉ đạo. Dự thảo đã được gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện trình Ban Chỉ đạo. Đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát kỹ các nhiệm vụ cụ thể, đối chiếu với yêu cầu CCTP tại cơ quan, tổ chức mình, tham gia ý kiến đóng góp nhằm bảo đảm tính thiết thực, khả thi của các nhiệm vụ CCTP từ nay đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, các nội dung thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao.

Thảo luận những nội dung trên, các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí với Quy chế làm việc và những nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP mà dự thảo đưa ra. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu lên một số vấn đề cần phải quan tâm, chỉ đạo.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị, cần phải cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm của từng năm thành các đề án, kế hoạch, trong đó phân công cụ thể cho từng cơ quan, thành viên chịu trách nhiệm. Bổ sung, làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cơ quan để làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, trong Quy chế làm việc, có những đề án cần Ban Chỉ đạo quan tâm, chỉ đạo thực hiện như các đề án về các dự án luật, biên chế, chế độ tiền lương, đầu tư trụ sở, trang thiết bị cho các cơ quan tư pháp… Vì có những việc mà Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2010 phải hoàn thành, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được, như việc đầu tư, xây dựng trụ sở các cơ quan VKS, Tòa án, nên rất cần có ý kiến của Ban Chỉ đạo.

"Thực tế hiện nay, trụ sở Tòa án rất khó khăn, nhiều nơi phải đi thuê nhà dân hoặc là quá chật chội; chủ trương bố trí Phòng xét xử thân thiện, dành cho xét xử những vụ án ly hôn có trẻ em, hoặc vụ án trẻ vị thành niên phạm tội, mặc dù Luật đã quy định nhưng đến nay vẫn chưa có", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo Quy chế làm việc và Những nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016 - 2020. Văn phòng Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ ý kiến đóng góp của các đồng chí thành viên và tổ chức nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện văn bản trình Trưởng ban Chỉ đạo duyệt phát hành.

Để triển khai thực hiện tốt Quy chế làm việc và những nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo lưu ý một số vấn đề sau đây:

Bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo; tham dự đầy đủ các phiên họp Ban Chỉ đạo, đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc thảo luận, quyết định hoặc cho ý kiến về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo. Tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Ban Chỉ đạo và việc triển khai tổ chức thực hiện tại cơ quan, tổ chức được phân công phụ trách; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề mới phát sinh; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo và cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCTP.

Về việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP, căn cứ những nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP do Ban Chỉ đạo đã thông qua, các đồng chí khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện trong từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức; định kỳ 6 tháng, hằng năm có sơ kết, tổng kết và đề ra các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo.

Từ nay đến hết năm 2017, Chủ tịch nước đề nghị tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp. Tích cực chỉ đạo việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật, luật về tố tụng tư pháp mới được Quốc hội thông qua;

Khẩn trương hoàn thành việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp; phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; thực hiện tốt sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao;

Tích cực lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp và Thừa phát lại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức nêu trên;

Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề đối với từng chức danh tư pháp; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc đổi mới chính sách tiền lương, khen thưởng và các chế độ đãi ngộ phù hợp với lao động đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động tư pháp. Khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp đã được Ban Chỉ đạo cho ý kiến; cuối năm 2017, tiến hành sơ kết, đề ra phương hướng, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong những năm tiếp theo.

Về cơ chế giám sát, hợp tác quốc tế, bảo đảm cơ sở vật chất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng: đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo bám sát những nhiệm vụ trọng tâm đã được Ban Chỉ đạo thông qua tại phiên họp này, chỉ đạo việc cụ thể hóa để triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương