Cho ý kiến về Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt và sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao

Ngọc Mai| 12/09/2017 10:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao trong ngày làm việc đầu tiên (11/9).

Cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt gồm 6 Chương với 78 Điều và 4 Phụ lục; quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Dự án Luật sẽ áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các chính sách mới, đột phá và đặc biệt về kinh tế- xã hội. Các chính sách này cần được quy định với mức ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành áp dụng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp cao, không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm vượt trội và cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Cho ý kiến về Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt và sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt  

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng tại dự thảo Luật bảo đảm tính đột phá, khác biệt, phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, nhưng phải bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ hơn một số nội dung, cụ thể, ở nước ta hiện đang tồn tại các mô hình khu kinh tế khác nhau. Về cơ bản, các mô hình khu kinh tế này khi thành lập đều được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai…; đề nghị đánh giá kỹ hơn hiệu quả của việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các mô hình này trong thời gian vừa qua, từ đó làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đáng lưu ý, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của đơn vị đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là có sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị đánh giá cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của Trung ương đối với đơn vị đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm sự thành công của mô hình này…

Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, Dự thảo Luật có thể tạo đột phá, nổi trội về kinh tế, thương mại nhưng phải lấy nguyên tắc ổn định về quốc phòng- an ninh, toàn vẹn lãnh thổ là cái cốt. Bởi lẽ, 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc như dự thảo đều là những khu trọng yếu, đặc biệt quan trọng về quốc phòng- an ninh.

Một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, đối với 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là Trưởng đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, là người có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế- xã hội trên địa bàn. Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các cơ quan khác của Nhà nước ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại đơn vị.

Về cơ chế tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề xuất, ưu đãi của dự thảo Luật là xin cơ chế, chứ không xin ngân sách. Ở thời điểm đầu, ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, nhưng sau này, đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt phải từ cơ chế tạo ra tiền, tạo ra ngân sách, tự quyết ngân sách của mình và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra một số ý kiến khác cũng đề nghị cần thiết thành lập các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt; đồng tình để Trưởng Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cần phải có đánh giá tác động đến quốc phòng an ninh, đến phân bổ dân cư; việc thực hiện giám sát thế nào... khi xây dựng Luật.

Cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

Theo Tờ trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao dự kiến trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục, thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao trong Luật Thể dục, thể thao hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp, các ý kiến phát biểu của Ủy ban Thảo luận về các vấn đề cụ thể, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về những nội dung liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật; phát triển thể dục, thể thao quần chúng; thể dục, thể thao thành tích cao; thi đấu thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao; phát triển thể thao chuyên nghiệp và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; đất đai dành cho thể dục, thể thao; tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao; quan điểm xã hội hóa và các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực thể dục, thể thao...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hai nội dung về thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao là hai mảng quan trọng trong hoạt động thể dục, thể thao. Do vậy, đề nghị dự án Luật nên sửa đổi, tập trung mạnh vào thúc đẩy 2 mảng chính là thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Về thành tích cao, nên hướng đến đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm cho các môn thể thao thuộc danh mục thi Olympic, không nên đầu tư dàn trải; tương tự về thể thao quần chúng cũng cần sửa đổi, hướng mạnh đến vấn đề về chất lượng, tập trung vào những môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, đánh gòn... Đồng thời, việc sửa đổi cũng cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển hệ thống các huấn huyện viên; có các cơ chế, chính sách thỏa đáng trong chăm lo cho các vận động động viên, nhất là những vận động viên có nhiều thành tích bởi theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, trong sự nghiệp thể dục, thể thao, họ đã đổ rất nhiều mồ hôi, xương máu, thậm chí họ còn phải hy sinh cả hạnh phúc cá nhân của mình.

Về đặt cược thể thao, có ý kiến đề nghị cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu, bổ sung quy định về đặt cược thể thao, giao Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục các hoạt động thể dục, thể thao được phép kinh doanh đặt cược nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, cần có thời gian tổng kết, đánh giá trước khi quy định trong Luật, vì vậy, chưa nên quy định về đặt cược thể thao cũng như các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến đặt cược thể thao trong Dự thảo Luật.

Cho ý kiến về Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt và sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu thảo luận

Ủng hộ quan điểm nên xây dựng quy định về đặt cược thể thao, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng cần phải có phân tích thuyết phục và cụ thể hơn; bảo đảm tính nguyên tắc, an ninh trật tự trong đặt cược thể thao và nguồn thu từ đặt cược phải được sử dụng để đầu tư cho phát triển thể dục, thể thao.

Nhấn mạnh tư tưởng mất bình đẳng giới trong thể dục, thể thao ở nước ta đang thể hiện ngày một rõ rệt, các vận động viên, các trận đấu thể thao nam luôn nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ tôn vinh hơn các vận động viên, các giải đấu nữ. Do vậy, để đảm bảo bình đẳng giới trong hoạt động thể dục, thể thao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới bằng các quy định cụ thể vào trong dự án Luật thể để khắc phục tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho ý kiến về Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt và sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao