Cần xây dựng văn hóa từ chức khi không đạt tín nhiệm

Mai Thoa| 22/10/2018 10:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay, 22/10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được dư luận và cử tri cả nước quan tâm.

Cần xây dựng văn hóa từ chức khi không đạt tín nhiệm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề cập trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp: Cử tri và nhân dân quan tâm đến việc Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.

Đánh giá về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, Phó trưởng Ban Dân nguyện, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm để kiểm tra lại mức độ tín nhiệm của các vị lãnh đạo thuộc diện do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có những chức danh rất quan trọng, như: Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC... Việc lấy phiếu này để khẳng định mức độ tín nhiệm của Quốc hội đối với các chức danh, là tín nhiệm của các đại biểu của nhân dân.

Theo Nghị quyết 85, người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, các ĐBQH cần phải xem xét các báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm, xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của họ như thế nào. Chẳng hạn, với Chính phủ thì việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đến đâu, với các thành viên Chính phủ thì phải xem họ thực hiện lời hứa với cử tri, nhân dân cả nước ra sao? Nhân dân và dư luận đánh giá về vị đó như thế nào?...

Đại biểu cũng cho rằng, chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu, xây dựng văn hóa từ chức, từ nhiệm. Ở vị trí lãnh đạo nhưng thực sự không còn gương mẫu, không hoàn thành nhiệm vụ, không có phẩm chất thì nên từ nhiệm, từ chức. Tránh trường hợp bị xử lý kỷ luật rồi mới từ nhiệm, từ chức thì người ta gọi đó là "chạy làng", "bỏ của chạy lấy người".

Đánh giá về 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây, chưa có vị nào bị đánh giá "tín nhiệm thấp" từ 50% trở lên hay phải bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng nhận định: đó là kết quả tốt, nhưng những vị được lấy phiếu tín nhiệm dù chỉ rớt một tỉ lệ phiếu nhất định đều phải trăn trở, suy nghĩ. Đừng cho rằng kết quả như thế là an toàn bởi đây chỉ là an toàn về mặt pháp lý. Nhân dân và cử tri cũng đều đánh giá được mức độ hoàn thành của người đương nhiệm đó…

Theo dự kiến chương trình, chiều nay 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thay mặt UBTVQH trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sáng thứ 3, ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước, sau đó tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín.

Sáng thứ năm, ngày 25/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình sẽ bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xây dựng văn hóa từ chức khi không đạt tín nhiệm