Cần quy định về vai trò bảo vệ rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số

Mai Thoa| 13/03/2017 19:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng rừng đang bị tàn phá như hiện nay là do chúng ta chưa có biện pháp bảo vệ phù hợp. Vậy nên, cần bổ sung vào luật quy định ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ...

Đó là những ý kiến được nhiều chuyên gia đồng tình tại Hội thảo tham vấn đóng góp ý kiến cho dự thảo lần 5 Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) do Dự án quản trị đất vùng sông Mê Kông phối hợp với tổ chức Liên minh đất rừng Forland thực hiện sáng 13/3.

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) đang trong quá trình sửa đổi và sẽ được UBTVQH cho ý kiến trong vài ngày tới.

GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra nhận định, với những quy định hiện hành thì gần như chưa tạo được chính sách mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh hiện nay.

Theo ông Võ, trong thời gian qua đã có khá nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng khai thác rừng và Quốc hội cũng đã thực hiện chương trình giám sát về vấn đề này. Diện tích đất trồng rừng có tăng thêm nhưng cả diện tích và chất lượng rừng bị mất đi do nhu cầu đầu tư phát triển, do phá rừng, do cháy rừng còn diễn ra phổ biến. Đất đai do các nông, lâm trường quốc doanh trước đây đang sử dụng vẫn chưa được quy hoạch lại cho phù hợp; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa đồng bào ở địa phương với các doanh nghiệp lâm nghiệp đang xảy ra khắp nơi và chưa được giải quyết.

Ông Võ cũng cho rằng tình trạng rừng tự nhiên bị tàn phá, khai thác trái pháp luật…đang diễn ra ở nhiều địa phương, thậm chí nhiều nơi kiểm lâm đang tiếp tay cho lâm tặc. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu “đóng cửa rừng tự nhiên” ở Tây Nguyên. Đây là giải pháp cấp bách để kịp thời ngăn chặn nạn phá rừng nhưng không phải là giải pháp lâu dài vì đóng cửa rừng là khép lại sinh kế của đồng bào ở địa phương có cuộc sống gắn với rừng.

Cần quy định về vai trò bảo vệ rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số

GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ngoài ra, việc khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện vẫn chưa phù hợp thực tế. Các tổ chức, cộng đồng dân cư đều không muốn nhận rừng sản xuất là rừng tự nhiên, bởi gọi là rừng sản xuất nhưng chủ rừng không được hưởng lợi bao nhiêu, nhiệm vụ chính vẫn là bảo vệ và phát triển. Mối quan hệ phối hợp trong quản lý rừng và đất rừng giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực sự hợp lý và chặt chẽ. Bên cạnh đó, công tác phối hợp việc điều tra hiện trạng, thống kê, kiểm kê, thiết lập cơ sở dữ liệu cho cả rừng và đất rừng vẫn chưa được thực hiện. Hiện trạng này dẫn đến tình trạng lãng phí ngân sách và giảm tính chính xác của dữ liệu và hiệu quả sử dụng dữ liệu. Bởi về nguyên tắc, đất rừng phải được đo đạc chính xác trên hệ thống thông tin địa lý quốc gia thống nhất.

Từ thực trạng này, các chuyên gia đề nghị, dự thảo Luật cần quan tâm đến việc tiếp tục đổi mới chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với chế độ được hưởng lợi của các chủ rừng, của cộng đồng dân cư địa phương nơi có rừng để khắc phục các tồn tại nói trên và đảm bảo không xuất hiện trong tương lai. Thời gian qua, không thể phủ nhận được vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã tham gia bảo vệ rừng rất hiệu quả. Do vậy, cần bổ sung một số điều khoản hoặc bổ sung vào dự thảo Luật việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ, bảo đảm cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống bằng nghề rừng, có thu nhập bảo đảm từ rừng. Hiện nay đang thiếu quy định về vai trò bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi vai trò của đồng bào dân tộc tại chỗ đã tham gia bảo vệ rừng rất hiệu quả từ trước đến nay.

Ông Đặng Hùng Võ phân tích, cuộc sống của đa phần đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ có sinh kế mà còn có văn hóa gắn chặt với rừng dẫn tới họ bảo vệ rừng không chỉ giai đoạn trước mắt mà cho con cháu của họ lâu dài. Mỗi dân tộc, mỗi vùng có những nét văn hoá riêng, có cách tổ chức, quản lý và bảo vệ rừng riêng, thường khác so với cách nghĩ, cách làm của người Kinh ở đồng bằng và tư duy của nhà lập định chính sách. Những khu rừng được bảo vệ bằng ý thức, niềm tin, luật tục của người dân, và mức độ nghiêm ngặt không thua kém bất cứ cơ quan, tổ chức nào.

Do vậy, để phù hợp với thực tế hiện nay cần bổ sung một số điều khoản hoặc bổ sung vào các Điều 19, 20 về việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ hoặc các điều về quyền và nghĩa vụ của các chủ rừng. Bảo đảm cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống bằng nghề rừng, có thu nhập bảo đảm từ rừng. Quyền của người dân sống ở vùng lõi các rừng đặc dụng, rừng bảo tồn với các ban quản lý rừng, các vườn quốc gia. Người dân địa phương cần có quyền tiếp cận rừng, được lấy các lâm sản phụ như mây, tre, nứa, cây dược liệu, được xen các cây hoa màu, cây dược liệu dưới tán rừng để bảo đảm cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quy định về vai trò bảo vệ rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số