Cần phải quản lý cả tài sản công vô hình và hữu hình

Mai Thoa| 08/04/2017 09:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quản lý và sử dụng tài sản công sao cho hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí luôn là vấn đề mà người dân quan tâm. Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách vừa cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) với những quy định chặt chẽ.

Khoán xe công nên quy định ở văn bản dưới luật

Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), được đánh giá là dự luật rất quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực và sẽ được Quốc hội sẽ cho ý kiến vào kỳ họp tới.

Theo dự thảo Luật, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Như vậy, tài sản công bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Trong buổi làm việc, 18 đại biểu đã tham gia góp ý kiến. Một số đại biểu nêu băn khoăn về việc các quy định quản lý tài sản công vô hình - đặc biệt là tài nguyên, khoáng sản - chưa được thể hiện rõ. Điều đó có thể dẫn tới việc quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát nguồn tài sản rất quan trọng này. Xuyên suốt dự thảo Luật chủ yếu đề cập đến việc quản lý tài sản hiện hữu đang giao các cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng. Các loại tài sản khác đang bị thất thoát lại chưa được nhắc đến.

Hai trong nhiều vấn đề quan trọng khác mà các cơ quan đang thí điểm thực hiện cũng đã được đề cập đến trong dự thảo Luật, đó là: khoán kinh phí và bán tài sản công tại cơ quan nhà nước. Quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng.

Cần phải quản lý cả tài sản công vô hình và hữu hình

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Theo UBTVQH thì hiện nay, việc khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan trung ương, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng. Việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu của công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Về vấn đề bán tài sản công tại cơ quan nhà nước, có ý kiến đề nghị cần quy định ngay trong dự thảo Luật tất cả các loại tài sản công khi bán phải thực hiện theo hình thức bán đấu giá nhằm tránh thất thoát tài sản công. Thực tế hiện nay có một số trường hợp xử lý bán tài sản tại các cơ quan nhà nước thông qua hình thức đấu giá không đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm khi giá trị thu được từ  bán đấu giá thấp hơn so với chi phí tổ chức bán đấu giá, nhất là các tài sản có giá trị nhỏ. Do đó, UBTVQH cho rằng, cần cho quy định tài sản có giá trị nhỏ và các tài sản công bán để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được bán theo hình thức bán trực tiếp.

Để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn, dự thảo Luật phải bổ sung quy định bán trực tiếp sẽ áp dụng cả trong trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm và giao Chính phủ quy định chi tiết giá trị tài sản công nhỏ để tổ chức bán trực tiếp.

Tặng cho tài sản dễ bị lợi dụng vì mục đích khác

Một nội dung nữa được các đại biểu quan tâm, thảo luận là quản lý, sử dụng, tài sản, biếu, tặng, cho… Vừa qua, dư luận xã hội đã phản ánh về việc một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định. Điều đó dẫn đến việc một số cơ quan, địa phương phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà.

Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật quy định việc giao tài sản công cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản, thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, trong đó có tài sản do các tổ chức, cá nhân cho, tặng các cơ quan, đơn vị của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng trong thời gian vừa qua không nhiều, nhưng có một số trường hợp đã bị lợi dụng gây dư luận không tốt, việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa nghiêm. Do đó, cần bổ sung các quy định về điều kiện được tiếp nhận, xử lý đối với các loại tài sản cho, biếu, tặng tại văn bản dưới luật vào dự thảo Luật, theo hướng: nghiêm cấm tiếp nhận đối với tài sản là ô tô và phương tiện làm việc cho cá nhân dưới hình thức cho, biếu, tặng, chỉ cho phép tiếp nhận các loại tài sản trên để phục vụ cho hoạt động từ thiện, nhân đạo và các loại tài sản chuyên dùng như xe chuyên dùng phục vụ cấp cứu, văn hóa xã hội, thể thao, nghiên cứu khoa học, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai....

Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng đưa ra nhận định: từ những sự việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua trong việc quản lý, sử dụng các  loại tài sản cho, biếu, tặng cho thấy, ranh giới cho việc sử dụng tài sản này cho mục đích công và nhu cầu cá nhân trong những trường hợp này rất khó xác định, thậm chí rất dễ nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Nếu doanh nghiệp tặng, cho tài sản thì sẽ phát sinh tình trạng đối xử mất công bằng giữa các doanh nghiệp trong cùng tham gia một dự án, trên cùng một địa bàn.

Do vậy cần phải quy định theo hướng: ngoài việc nhận các tài sản theo đúng quy định của pháp luật thì phải quy định rõ mục đích của việc sử dụng là mục đích công và có thể đưa các tài sản này vào hệ thống đấu giá để thực hiện công tác xã hội, từ thiện nhằm vào bảo đảm chính sách cho người có công, sử dụng để xóa đói giảm nghèo....

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng- Bế Minh Đức cũng nêu thực tế, có một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thực lực về kinh tế, không vụ lợi, mong muốn đóng góp cho đất nước, cho xã hội. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số doanh nghiệp lợi dụng việc cho, biếu tặng tài sản cho cơ quan nhà nước. Vấn đề này hiện pháp luật không cấm.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, những băn khoăn của đại biểu sẽ được tiếp tục nghiên cứu tiếp thu theo hướng các chính sách hiện nay đã quy định về chế độ, định mức. Việc nhận các quà tặng, quà biếu của các tổ chức trong và ngoài nước, hay qua hình thức ODA cho mục đích an sinh xã hội, xóa đòi giảm nghèo là hết sức bình thường. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận băn khoăn chủ yếu là các trường hợp biếu tặng ô tô, những trường hợp này sẽ được áp dụng theo các quy định, thủ tục về xác lập tài sản nhà nước, theo định mức, chế độ đã quy định. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần phải quản lý cả tài sản công vô hình và hữu hình