Cần khắc phục sự chồng chéo giữa các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra

PV| 24/07/2017 21:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/7/2017.

Chồng chéo chức năng, nhiệm vụ

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau 6 năm thi hành, về cơ bản Luật đã góp phần tạo khung pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra. Căn cứ vào các quy định của Luật Thanh tra 2010, Kế hoạch thanh tra hàng năm, các cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, thanh tra chuyên ngành và giải quyết khiếu nại tố cáo. Thông qua thanh tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhiều vi phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có rất nhiều hạn chế trong quá trình thi hành Luật này. Đó là, chức năng, nhiệm vụ lớn nhưng quyền được trao chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ của mình. Như: quyền xử lý vi phạm trong việc chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra; quyền khởi tố vụ án, điều tra ban đầu. Thực tế hiện nay việc phối hợp chuyển hồ sơ cơ quan điều tra của thanh tra các cấp, các ngành còn nhiều bất cập; hiệu lực của kết luận, kiến nghị thanh tra ở một số điểm còn chưa rõ ràng.

Theo Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện, hiện nay tồn tại tới ba cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là Ủy ban kiểm tra, Thanh tra và Kiểm toán, dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải phối hợp dẫn đến hiệu quả không cao, quyền lực tản mạn, bộ máy cồng kềnh.

Ngoài ra còn có một bất cập khác là, một số cuộc thanh tra kéo dài, thời gian ban hành kết luận chưa đảm bảo theo quy định, chưa đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý và ảnh hưởng đến hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan bị tiến hành thanh tra; khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý. Tuy nhiên, tỷ lệ khởi tố các vụ việc này còn thấp mà không có phản hồi lý do. Việc thực hiện các quy trình thanh tra chuyên ngành đối với hai cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành còn ít các hành vi vi phạm, mới dừng lại ở kiến nghị, đề xuất, rút kinh nghiệm, chưa có hình thức xử lý đối với những vi phạm.

Cần khắc phục sự chồng chéo giữa các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu

Luật Thanh tra 2010 không phân định tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước thành lập theo cấp hành chính và tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước thành lập theo ngành, lĩnh vực và chỉ quy định về các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, bao gồm: cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao nhiệm vụ chức năng thanh tra chuyên ngành. Luật cũng chưa quy định cụ thể một số lĩnh vực được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là một năm cần thực hiện ít nhất bao nhiêu cuộc thanh tra, dẫn đến một số đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng số lượng thanh tra quá ít, làm cho hoạt động này bị tản mạn.

Trên thực tế việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp cố ý hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh…

Báo cáo của Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra, hiện nay hoạt động thanh tra vẫn còn sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa thanh tra bộ, thanh tra tỉnh và thanh tra sở. Trên thực tế những doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn địa phương vừa chịu sự kiểm tra, thanh tra của bộ quản lý chuyên ngành, vừa chịu sự kiểm tra, thanh tra của sở, tỉnh. Sự chồng chéo này cũng là những bất cập.

Khắc phục những tồn tại

Là đơn vị được giao quản lý nhà nước tới 9 lĩnh vực như: luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản… Cục Bổ trợ tư pháp cũng được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong 3 năm thực hiện chức năng này, Cục tiến hành được 7 cuộc thanh tra chuyên ngành.

Phó Cục trưởng Vũ Văn Đoàn nhận thấy đã có chuyển biến nhất định qua công tác thanh tra như các cơ quan, tổ chức được thanh tra và các cơ quan, tổ chức khác nghiêm túc hơn trong tuân thủ quy định pháp luật; cơ quan quản lý kịp thời phát hiện những bất cập trong các quy định pháp luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đồng tình với ông Đoàn, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải - đơn vị thứ hai được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cũng cho biết: Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Cục đã kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm của các đơn vị được thanh tra.

Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết, 6 năm qua việc phối hợp thanh tra lĩnh vực bồi thường không nhiều nhưng vẫn có những vấn đề cần bàn đế. Luật TNBTNN đã giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho Chính phủ (trước đây do Tòa án, VKS làm) đây là vấn đề mới, vậy vai trò của thanh tra như thế nào? Cục BTNN không có vai trò này, vậy phải tính toán, Thanh tra Bộ có làm lĩnh vực này hay không, nếu không sẽ để trống, hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần quy định cụ thể tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra; có chế tài cụ thể trong việc xử lý đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra.

Cần khắc phục sự chồng chéo giữa các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Toàn cảnh Hội nghị

Để tránh sự chồng chéo, cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trên các lĩnh vực đảm bảo khách quan, công bằng và tiến hành kịp thời, nhanh gọn…không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tổ chức. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ; làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm, thiếu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Thanh tra Chính phủ đánh giá: Việc tổng kết thi hành Luật là những nhiệm vụ quan trọng, các địa phương, bộ, ngành làm nghiêm túc. Nội dung bám sát chỉ đạo, báo cáo chi tiết cụ thể. Bên cạnh đó các ý kiến đóng góp nội dung đầy đủ. Thực hiện Luật Thanh tra 2010, các hoạt động thanh tra có nhiều đổi mới, trở thành công cụ thiết yếu trong công tác quản lý nhà nước hiện nay.

Đến nay, mô hình, hiệu quả hoạt động đang có nhiều bất cập, xã hội đòi hỏi phải hoàn thiện hơn, đặc biệt là mô hình tại các bộ, ngành. Có rất nhiều điểm vướng, cả trong Luật và cả trên thực tế nên cần phải hoàn thiện.

Hiện nay công tác thanh tra đang phụ thuộc vào cơ chế quản lý nên giữa cái cũ-mới đang đan xen. Các bộ, ngành chức năng vừa làm quản lý nhà nước vừa làm kinh tế, chính vì vậy có rất nhiều chi phối trong hoạt động thanh tra. Thực tế thanh tra bên ngoài rất tốt, nhưng trong chính ngành mình lại chưa được như mong muốn.

Sự chồng chéo giữa ngành thanh tra và kiểm toán là cái hiện hữu, chưa có lời giải và có ảnh hưởng đến chức năng tổ chức,  nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng, hiện chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính về thanh tra trong lĩnh vực này.

Ông Kim cũng đề nghị, các bộ ngành phải cụ thể hóa những vấn đề của ngành mình thành những quy định cụ thể. Những đề xuất chung, phía TTCP sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong thời gian tới và có những đề xuất sửa đổi cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng cho rằng, qua 6 năm thực hiện Luật cho thấy, cơ bản hoạt động thanh tra yêu cầu. Qua thanh tra phát hiện ra những sai phạm và chấn chỉnh. Sau thanh tra, hoạt động của các cơ quan đơn vị được tốt hơn…Những bất cập nêu ra trong tổng kết này là một thực tế. Như, địa vị pháp lý của thanh tra chuyên ngành chưa rõ; chưa có cơ chế để bao quát chung toàn ngành. Hiện chưa có mối quan hệ chặt chẽ giữa thanh tra bộ và thanh tra sở; những bất cập, chồng chéo về thẩm quyền thanh tra…Đồng thời yêu cầu thanh tra bộ phận chuyên môn có báo cáo gửi TTCP theo quy định. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần khắc phục sự chồng chéo giữa các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra