Bộ Tư pháp xử lý nhiều luật sư vi phạm và thanh tra hoạt động công chứng

Nguyên Bình| 03/05/2017 20:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kiểm tra, thẩm định, phát hiện những văn bản trái luật; tình trạng luật sư bị kỷ luật xóa tên khỏi đoàn luật sư; một số văn phòng công chứng vi phạm trong thực hiện việc công chứng, chứng thực… là vấn đề mà Bộ Tư pháp đã thông tin tại buổi họp mới đây.

Xử lý nhiều luật sư vi phạm đạo đức hành nghề

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, quý I/2017, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được triển khai ngay từ đầu năm, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo VBQPPL. Theo đó, Bộ đã thẩm định 41 dự thảo VBQPPL, 22 đề án xây dựng VBQPPL và 24 Điều ước quốc tế, trong đó có một số văn bản được dư luận quan tâm như dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu…

Ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, cơ quan này cũng đã kiểm tra 903 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu phát hiện ra 16 văn bản sai về nội dung (6 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ, 10 văn bản của địa phương) và đã ra 16 thông báo của các văn bản sai nói trên. Hiện nay có 13 văn bản đã xử lý, các văn bản còn lại đang trong quá trình xử lý theo quy định. Bộ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc ban hành văn bản quy định chi tiết. Kết quả, đối với 37 văn bản quy định chi tiết 15 luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 12/37 văn bản (9 nghị định, 1 quyết định, 2 thông tư), tỷ lệ ban hành cao hơn so với Quý I/2016. Riêng Bộ Tư pháp đến nay không nợ văn bản quy định chi tiết.

Đáng chú ý, công tác bổ trợ tư pháp hiện nay đang có rất nhiều vấn đề nổi cộm. Đó là việc Bộ Tư pháp đã quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư của 29 trường hợp, trong đó có 17 trường hợp thu hồi theo nguyện vọng và 12 trường hợp do bị kỷ luật xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.

Bộ Tư pháp xử lý nhiều luật sư vi phạm và thanh tra hoạt động công chứng

Ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp 

Cụ thể: có 3 trường hợp bị xử lý kỷ luật xóa tên do không thực hiện nghĩa vụ đóng phí thành viên, không tham gia sinh hoạt, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư từ 2 năm trở lên; 8 trường hợp bị xử lý kỷ luật xóa tên do vi phạm quy định của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư và Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam; 1 trường hợp bị kết án về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Trong những trường hợp bị kỷ luật nêu trên, có những luật sư khi hành nghề đã có những hành vi nhận tiền của khách hàng hàng trăm triệu đồng với những lời hứa hẹn sẽ được việc nhưng không thực hiện và không trả lại tiền. Theo lãnh đạo Cục Bổ trợ Tư pháp, nhiệm vụ của cơ quan này sau khi thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, căn cứ vào kết quả giải quyết và trên cơ sở hồ sơ của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam gửi lên, Cục Bổ trợ Tư pháp đã tiến hành xóa tên những người vi phạm nêu trên. Còn thông tin về việc có hành vi lừa đảo hay không, Cục không nắm được và Cục cũng không có thẩm quyền chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra, mà thuộc trách của Đoàn luật sư hoặc bị hại.

Trước đó, tại phiên họp thứ 5, Hội đồng luật sư toàn quốc đã thông tin trong năm 2016, các Đoàn luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 73 luật sư.

Nhiều sai phạm khác được xử lý

Không chỉ luật sư vi phạm, mà lĩnh vực công chứng, chứng thực cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm.Thời gian qua, một số cơ quan báo chí cũng đã phản ánh về tình trạng một số văn phòng công chứng trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện việc chứng thực bản sao không đúng quy định của pháp luật hay việc thu phí thù lao công chứng ở mức cao… Ngay sau có thông tin, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Sở Tư pháp Hà Nội tiến hành thanh tra văn phòng công chứng có liên quan theo quy định. Tuy nhiên, do nội dung thanh tra phức tạp, Sở Tư pháp Hà Nội đã ban hành quyết định về việc gia hạn thời hạn thanh tra để kiểm tra, xác minh thêm. Hiện nay, việc thanh tra đang tiếp tục được tiến hành theo quy định, Bộ Tư pháp cho biết sẽ thông tin sau khi có kết luận thanh tra.

Ông Đỗ Đức Hiển cho biết thêm, trước đó, trong quá trình hoạt động công vụ, cơ quan chuyên môn cũng đã phát hiện và xử lý những sai phạm. Đó là việc đã miễn nhiệm Công chứng viên đối với 4 trường hợp; thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá tài sản đối với 2 trường hợp …

Ngoài ra, một vấn đề nữa được nhiều người quan tâm đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy và Bộ Tư pháp được giao chủ trì.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp thông tin, cơ quan này đã có công văn đề nghị Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và một số tỉnh thành rà soát các VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành có liên quan đến việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy. Qua rà soát, các nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy, chủ yếu tập trung vào 2 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành là Thông tư số 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe và Thông tư số 41/2016/TT-BCA ngày 12/10/2016 của Bộ Công an về quy trình đăng ký xe. Bộ Tư pháp phát hiện còn một số điểm chưa có sự thống nhất dẫn đến việc có thể mở rộng đối tượng cấp biển số xe nền màu xanh, chữ và số màu trắng cho xe hoạt động nghiệp vụ, phục vụ công tác bảo đảm an ninh.

Trên cơ sở kết quả rà soát, để bảo đảm sự nhất quán giữa các VBQPPL liên quan đến đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy, Bộ Tư pháp đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 15/2014 theo hướng quy định cụ thể đối tượng cấp biển số xe ô tô, xe máy, nhất là đối với các đối tượng được quy định tại điểm a khoản 6 Điều 31 nhằm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an theo Nghị định số 106/2016/NĐ-CP; bảo đảm đúng loại hình, đối tượng và nguồn gốc từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu thực tiễn công tác. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định mới của Thông tư số 41/2016/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 về quy định quy trình đăng ký xe, nhất là các quy định về cấp biển số xe mới, đổi, cấp lại đăng ký, biển số xe, đăng ký sang tên di chuyển xe, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe và quy định bỏ việc chuyển đổi hệ biển số trắng sang biển số xanh và ngược lại. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tư pháp xử lý nhiều luật sư vi phạm và thanh tra hoạt động công chứng