Bộ Tư pháp trả lời về những sai phạm trong thi hành án vụ bầu Kiên

Mai Thoa| 19/10/2017 21:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2017 chiều 19/10, đại diện Cục THADS, Bộ Tư pháp đã trả lời về những sai phạm trong việc thi hành án vụ bầu Kiên.

Liên quan những sai sót trong thi hành án vụ bầu Kiên, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, đơn vị này đã thành lập Đoàn kiểm tra việc tổ chức THA đối với ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đã ban hành kết luận.

Bộ Tư pháp trả lời về những sai phạm trong thi hành án vụ bầu Kiên

Ông Nguyễn Văn Sơn Phó tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Bộ Tư pháp

Theo đó, Tổng cục THADS đánh giá, quá trình tổ chức THA cơ bản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số thiếu sót. Tổng Cục THADS cũng đã có công văn yêu cầu Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trên cơ sở thiếu sót mà kết luận chỉ ra, báo cáo kết quả kiểm điểm về Tổng cục trước ngày 30/10. 

Theo bản án có hiệu lực thi hành từ tháng 12/2014, bầu Kiên phải nộp gần 100 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình thi hành án có khiếu nại của bà Đặng Thị Ngọc Lan – vợ bầu Kiên về một số sai phạm mà báo chí thời gian qua đã phản ánh. Vụ án bầu Kiên, hiện đã THA được 3/4 về tiền. Số còn lại đang chỉ đạo thi hành dứt điểm trong thời gian tới.

Tại buổi họp báo thường kỳ, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cũng cho biết, trong Quý III/2017, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt, nhiệm vụ công tác và đạt được những kết quả tích cực. Bộ Tư pháp đã hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 đề án, văn bản. Thực hiện thẩm định 59 dự thảo VBQPPL; 10 đề án xây dựng nghị định của Chính phủ và 15 điều ước quốc tế; đã kiểm tra 855 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu đã phát hiện 54 văn bản sai về nội dung.

Về công tác thi hành án dân sự năm 2017 (tính từ ngày 1-10-2016 đến 30-9-2017), đã thi hành xong 549.415 việc, đạt tỷ lệ 79,25%, tăng 0,72% so với năm 2016; về tiền, đã thi hành xong trên 35.242 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 21,12% so với năm 2016. Như vậy, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao, năm 2017, hệ thống THADS đã thi hành vượt chỉ tiêu cả về việc (vượt 9,24%) và về tiền (vượt 8,3%). Bên cạnh đó, công tác bổ trợ tư pháp, lý lịch tư pháp, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của người dân,… được tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bộ Tư pháp trả lời về những sai phạm trong thi hành án vụ bầu Kiên

Ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp

Trả lời báo chí về tính pháp lý xung quanh việc Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) từ chối đăng kiểm hàng nghìn ô tô chưa nộp phạt nguội theo danh sách của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) gửi sang, ông Đặng Thanh Sơn cho biết, việc này liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, pháp luật liên quan đến quản lý phương tiện giao thông và sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ phục vụ phát hiện vi phạm hành chính.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, không kiểm định đối với xe “đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Theo ông Sơn, trình tự thủ tục cụ thể để tiến hành việc phạt nguội (phạt qua hệ thống giám sát để phát hiện vi phạm hành chính) đến nay chưa được ban hành, dẫn đến trong thực tiễn gặp những khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, việc thông báo trực tiếp yêu cầu người vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành lập biên bản, làm thủ tục xử phạt; hay thông qua chứng cứ được thu thập qua hệ thống giám sát đó để có thể tiến hành việc xử phạt...

Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng và ban hành Thông tư quy định cụ thể về quy trình, trình tự thủ tục xử phạt VPHC thông qua hệ thống giám sát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, đây cũng là một trong những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành 2012.

Còn Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL Đồng Ngọc Ba cho hay, quy định liên quan đến tính hợp pháp, hợp lý của khoản 6 điều 4 Thông tư số 70 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Cục đã kiểm tra, có báo cáo bằng văn bản với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Thông tư nói trên. Để có kiến nghị giải pháp đồng bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo sẽ trao đổi ở cấp lãnh đạo Bộ, dự kiến diễn ra trong tuần tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tư pháp trả lời về những sai phạm trong thi hành án vụ bầu Kiên