Bổ sung nhiều quy định mới về quản lý nợ công

Mai Thoa| 21/03/2017 10:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Với mục tiêu khắc phục những bất cập, hạn chế về pháp luật và công tác quản lý nợ công, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề rất “nóng” hiện nay.

Đưa nợ công về đúng vị trí

Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công 2009 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi.

 Các lĩnh vực bất cập của Luật cần sửa đổi như: phạm vi nợ công, có tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào nợ công hay không; việc thực hiện, giám sát thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch về nợ công để tương thích với các luật mới ban hành như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công.

Về phạm vi sửa đổi: Dự thảo Luật tập trung vào việc luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới luật; sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan liên quan; giám sát quản lý nợ, quản lý rủi ro,… Chính phủ cũng đề xuất bổ sung 3 chương mới quy định về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; về đảm bảo khả năng trả nợ công.

Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, để đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới, dự án luật cần bám sát quan điểm, mục tiêu đặt ra đối với việc sửa đổi luật nhằm phân định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nợ công; cân nhắc, bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý; đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài...

Tại phiên họp, các đại biểu nêu vấn đề: Qua các kỳ họp Quốc hội gần đây vẫn có đánh giá nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, nợ Chính phủ vượt trần, vậy luật này có giải quyết được thực trạng hiện nay không. Từ khi có Luật Quản lý nợ công 2009 đến nay thì nợ công tăng nhanh, vì sao? Do tổ chức thực hiện luật hay bản thân luật có vấn đề và nếu có thì ở chỗ nào, cần giải quyết ra sao?

Chủ nhiệm Uỷ ban KH - CN&MT Phan Xuân Dũng đặt vấn đề về cách tính nợ công và ông cho rằng cần làm rõ để dư luận, cử tri và đại biểu hiểu rằng nợ công như thế nào thì đáng lo; 200% như Nhật, 160% như Mỹ, hay 60% thì đáng lo, vì sao?

Bổ sung nhiều quy định  mới về quản lý nợ công

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, nợ công tăng nhanh là đúng và trước hết do điều hành với sự tác động của nhiều yếu tố. Mặc dù thực hiện tăng trưởng GDP không đạt nhưng vẫn phải thực hiện yêu cầu đảm bảo mục tiêu khác đã đề ra như an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ theo Nghị quyết Trung ương và Quốc hội nên thời gian dài giữ bội chi rất cao, chưa nói đến việc giải ngân vốn ODA tăng nhanh.

Ông Dũng cũng cho rằng, nợ công tăng cao một phần nữa là do dự báo tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Dự báo mấy năm vừa qua chưa năm nào đúng cả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế như thế, nhưng giá trị GDP mấy năm đều hụt so với dự báo, trong khi điều hành cân đối đều theo dự toán đặt ra. Năm 2016 chúng ta đưa ra mức tăng trưởng kinh tế là 6,7%, thực tế có 6,21%. Giai đoạn 2011-2013 chúng ta huy động vốn quá ngắn, lãi suất quá cao nên nghĩa vụ trả nợ cao lên, dồn áp lực trả nợ vào những năm từ 2014 - 2017. Vừa qua ta cơ cấu lại nợ rất tốt, giảm áp lực trả nợ” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho rằng nợ công tăng nhanh do nguyên nhân điều hành, đầu tư kém hiệu quả. Giải quyết tình trạng trên không phải chỉ do luật này mà chủ yếu ở Luật Đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng. Nếu trước kia vay nợ rất thoải mái, đầu tư dàn trải thì vừa qua kế hoạch đầu tư trung hạn xác định rất rõ và kiểm soát được hết vay bao nhiêu, đầu tư lấy nguồn từ đâu, chủ trương đầu tư thế nào thì mới thực hiện, Thứ trưởng cho biết.

Không chuyển nợ DNNN sang nợ Chính phủ

Về phạm vi nợ công, dự thảo Luật quy định theo hướng giữ nguyên quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành. Theo đó, nợ công bao gồm nợ Chính  phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Còn quy định không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, Chính phủ giải thích là theo thông lệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương là độc lập, không nằm trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ, theo đó các khoản vay của Ngân hàng Trung ương không kết cấu trong nợ của Chính phủ.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS thống nhất với phương án này. Theo đó, không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN vì đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên các khoản nợ này về bản chất, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các nước đều không tính nợ DNNN vào nợ công, bao gồm các nước phát triển, EU, hầu hết các nước ASEAN, các nước có mức tín nhiệm tương đồng với Việt Nam như Sri Lanka. Chỉ một số ít nước như Thái Lan, Serbia, Slovakia,… có áp dụng nhưng chỉ bao gồm những doanh nghiệp công ích, gắn với nhiệm vụ nhà nước giao.

“DNNN vay không trả được thì phá sản theo luật định. Vì một số khoản Chính phủ không bảo lãnh vẫn đưa vào khoản nợ của Chính phủ, trong khi theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, đều cấm chuyển nợ của doanh nghiệp thành nợ của Nhà nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc nợ DNNN thành nợ Chính phủ, ông dẫn chứng về VEC (Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) về mô hình và năng lực thực hiện không phù hợp. Vốn điều lệ của VEC không đáng kể mà cho phát hành trái phiếu, rồi không trả được nợ nên Chính phủ phải trả; vay vốn ODA về làm đường cũng không trả được nợ, Chính phủ lại phải trả… Bộ trưởng cũng cho hay, vừa rồi đưa ra cổ phần hoá VEC nhưng không thực hiện được vì không có vốn, trong khi nợ Chính phủ phải gánh. Vì vậy đề nghị Chính phủ xem lại mô hình Tổng công ty VEC hiện nay, ông đề nghị.

Theo Ngân hàng Thế giới, nợ vay của DNNN được đưa vào nợ Nhà nước khi thỏa mãn 3 điều kiện: Thu chi nằm trong dự toán, Chính phủ sở hữu trên 50% và Chính phủ cam kết trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ. Vì vậy đối với nợ khác của DNNN, quan điểm của Chính phủ là DNNN tự vay phải tự trả; dứt khoát không có chuyện chuyển nợ DNNN sang Nhà nước trả hộ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đây là dự án luật rất quan trọng nên các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu và giải trình rõ, thuyết phục trên tinh thần làm sao siết chặt quản lý nợ công. Quan điểm của UBTVQH là làm sao quản lý thống nhất, hạn chế cắt khúc và cần thiết trong luật có quy trình quy định cụ thể từ ký kết và đảm bảo nghị quyết của Trung ương nên cần có đánh giá tác động của luật này, cung cấp thông tin đầy đủ để Đại biểu Quốc hội thảo luận khi dự thảo được trình Quốc hội. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung nhiều quy định mới về quản lý nợ công