Báo chí cách mạng và nhà báo trong sự chuyển động của thời thế và tư duy

Thu Vân| 20/06/2016 15:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chặng đường 91 năm báo chí cách mạng Việt Nam đã qua đầy tự hào, để bước tiếp làm rạng danh, tô thắm thêm niềm tự hào đó trong hiện tại và tương lai, những người làm báo hiện đại hơn lúc nào hết cần có tư duy đúng, nhận thức sâu sắc và tầm nhìn thời đại.

      Báo chí cách mạng và nhà báo trong sự chuyển động của thời thế và tư duy

                     Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh Tư liệu

Báo chí cách mạng thời nào cũng vậy, là một bộ phận của công tác tư tưởng, quan hệ mật thiết với yêu cầu và nhiệm vụ của công tác tư tưởng. Đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, báo chí phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, biểu dương cái tốt, cái đúng, đấu tranh với sai trái, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phong trào cách mạng, nhân nguồn sức mạnh nội lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Sự chuyển động

Quan điểm về một tờ báo cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam vạch rõ định hướng ngay từ đầu và cho đến nay, những tư tưởng vĩ đại của Người vẫn còn nguyên giá trị của thời đại: "Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1- Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2- Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công… 3- Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc…4- Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số công chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được công chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình… 5- Nội dung tức là các bài báo giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát… 6- Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa".

Đồng thời, Người cũng xác định rõ, ở mỗi một giai đoạn, thời kỳ lịch sử, báo chí sẽ trực tiếp đề cập những vấn đề khác nhau, nhưng phải luôn giữ vững quan điểm, mục đích, nhiệm vụ, tôn chỉ hoạt động của mình. Đề tài của các tin, bài viết của Người và mỗi nhà báo cách mạng theo đuổi không ngoài các nội dung phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và hoà bình thế giới.         

Kể từ khi Bác Hồ viết bài báo đầu tiên, kể từ ngày Bác khai sinh ra nền báo chí cách mạng, báo chí Việt Nam hôm nay đã phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng nội dung và hình thức, tính chuyên nghiệp và đội ngũ những người làm báo, với đủ các loại hình: Báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Báo chí đã có những cống hiến lớn lao và xứng đáng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những người làm báo cách mạng Việt Nam qua các thế hệ luôn thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm báo để phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Thời thế

Một điều thực sự đáng trân trọng và vui mừng khi mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, phải chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp.

Báo chí cách mạng và nhà báo trong sự chuyển động của thời thế và tư duy

 Tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp cả nước diễn ra ngày 29/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "phải chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ". Trong ảnh: Thủ tướng tiếp xúc với các đại biểu doanh nghiệp và báo chí trong giờ giải lao, tại Hội trường Thống nhất, Tp.HCM. Ảnh Infonet

Hay gần đây nhất, tại cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 10/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, báo chí là một kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh, lựa chọn lĩnh vực đầu tư, đưa doanh nghiệp phát triển, có chỗ đứng vững chắc trên thương trường. Do vậy, báo chí phải góp phần phản ánh thông tin để Chính phủ kịp thời có điều chỉnh quyết sách phù hợp. Thủ tướng mong báo chí Việt Nam hỗ trợ, đưa doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thương trường, phát triển thương hiệu Việt Nam lớn mạnh. 

Quan điểm trên đã kế thừa sâu sắc tư tưởng đạo đức của Bác Hồ. Ngay sau khi giành được độc lập (2/9/1945), một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiến hành Tổng tuyển cử trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc thực hiện phổ thông đầu phiếu là chính sách rất cơ bản để xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bầu cử chính là thực thi dân chủ và khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 là lần đầu tiên người dân Việt Nam thực thi chế độ dân chủ, phát huy quyền làm chủ của mình. Qua đó củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng một Nhà nước vững mạnh. Đó là Nhà nước thực sự phục vụ nhân dân chứ không phải là Nhà nước cai trị dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Nhà nước ta từ Trung ương đến làng xã đều là công bộc của dân, chứ không phải “đè đầu” dân. Vì thế, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh.

Điều đáng ghi nhận là tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được người đứng đầu Chính phủ thấm nhuần sâu sắc chuyển hóa trong sách lược và biến thành hành động cụ thể. Hàng loạt những nỗ lực vào cuộc của các Bộ, ngành trong bộ máy Chính phủ ngay sau phát ngôn của Thủ tướng bước đầu tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những bức xúc dân sinh đã và đang tạo ra sự phấn chấn và niềm tin trong các cấp ngành và nhân dân về bộ máy Chính phủ hành động với tư duy mới, đầy sáng tạo và sự quyết liệt đáng trân trọng.

Trải qua hơn 9 thập kỷ hình thành và phát triển không ngừng, báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay vẫn luôn kiên định, phát triển hài hòa trong mối quan hệ Đảng, chính quyền và nhân dân là “tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân”. Chính trong mối quan hệ không thể tách rời này, ý chí quyết tâm và tư duy “xây dựng một Chính phủ liêm chính, với phương thức phục vụ và kiến tạo” đã khiến cho báo chí - công cụ biểu đạt, tuyên truyền về nội dung - chủ trương đường lối của Đảng, Chính phủ thật sự hòa quyện thành một thể thống nhất giữa nội dung và hình thức trong mối quan hệ biện chứng không thể tách rời, đem đến luồng sinh khí và hiệu quả mới cho công tác thông tin tuyên truyền. Chưa bao giờ chúng ta cảm nhận báo chí lại phát huy rõ nét là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; trở thành diễn đàn đấu tranh, nói lên tiếng nói của người dân và thực thi chức năng giám sát phản biện xã hội rõ nét đến thế.

Thông tin báo chí đã không chỉ được dư luận xã hội coi như món ăn tinh thần “cơm ăn, nước uống” hằng ngày, mà còn được các cơ quan chức năng quan tâm xem xét như một nguồn tin sớm nhất, đáng tin cậy phản ánh sinh động rõ nét nhất về thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của các giai tầng trong xã hội. Theo đó, nhiều tấm gương sáng đã được nhân rộng, hoàn cảnh đã được động viên sẻ chia kịp thời, nhiều vụ việc từ vi phạm nhỏ đến những vụ án lớn, những vụ việc liên quan dân sinh có sức ảnh hưởng rộng rãi nhiều lĩnh vực đã được cấp lãnh đạo cao nhất quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp, như vụ việc “Quán cà phê Xin Chào”, “Xe tư nhân gắn biển xanh”, sự cố cá chết tại một số tỉnh miền Trung, hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên…

Tư duy

Nhìn từ quan điểm của báo chí cách mạng, đồng thời căn cứ vào các điều kiện mới ở trong nước và quốc tế, mỗi nhà báo Việt Nam hiện nay hơn bao giờ hết cần hiểu sâu sắc, thấu đáo về thời thế, về sự chuyển động để có lập trường vững vàng và tư duy sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại mới. Trên tinh thần đó, nhà báo cần hội tụ những phẩm chất sau đây:

Thứ nhất, phải tiếp tục giữ bản lĩnh chính trị vững vàng. Nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhà báo khó có thể định hướng rõ nét trong tư tưởng cũng như niềm tin vào sự nghiệp mình đang theo đuổi, từ đó khó có thể hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch, sai trái trong bối cảnh kẻ thù đang tiến hành “diễn biến hoà bình” với nhiều phương cách, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp như hiện nay.

Thứ hai, cần có kiến thức sâu rộng và không ngừng trau dồi từ thực tiễn sinh động của cuộc sống. Thời đại ngày nay là thời đại của kinh tế tri thức được đặt trong bối cảnh bùng nổ thông tin. Nhu cầu và trình độ của công chúng không ngừng được nâng cao. Vì vậy, nếu mỗi nhà báo chỉ dừng lại ở việc đào tạo chuyên môn rồi ra trường hành nghề sẽ không tránh khỏi tụt hậu, tư duy hạn hẹp, thiếu sắc bén. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tầm nhìn, nhãn quan chính trị, tư duy đề tài và quá trình tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí.

Đặc biệt, nhu cầu độc giả hôm nay không chỉ đòi hỏi thông tin không giới hạn trong một thế giới phẳng mà còn cần sự am tường, sâu sắc về những lĩnh vực chuyên ngành và góc nhìn khác biệt. Do đó, đã đến lúc mỗi nhà báo chúng ta không thể cứ mãi ngồi trong phòng lạnh, đi xe hơi để sáng tạo tác phẩm, mà ngoài việc không ngừng bổ sung tri thức còn cần lao vào thực tiễn bỏng rát, thở nhịp thở của cuộc sống để cảm thấu và truyền tải được tinh thần ấy vào trong tác phẩm của mình.

Thứ ba, cần phải tinh thông nghiệp vụ: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ thể hiện ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí: giao tiếp với nguồn tin, từ thu thập tư liệu, xử lý thông tin, sử dụng các phương tiện kỹ thuật trợ giúp cho đến việc hoàn thiện tác phẩm báo chí, v.v… Những điều này chính là công cụ và khả năng tư duy, biểu đạt tác phẩm của mỗi nhà báo quyết định đến việc độc giả có bị thu hút và ấn tượng về tác phẩm đó không. Điều này là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các tờ báo và loại hình thông tin cùng “trăm hoa đua nở” như hiện nay, nó tạo ra cá tính riêng cho mỗi cây viết và bản sắc, thương hiệu riêng cho mỗi tờ báo trong quá trình chinh phục độc giả.

Thứ tư, nhà báo hiện đại nhất thiết phải trang bị các kỹ năng mềm. Ví như kỹ năng giao tiếp tốt để nhận được sự hợp tác, đồng thuận, trên cơ sở đó hoàn thành nhiệm vụ của mình. Giao tiếp tốt với công chúng - những người sẽ đón nhận và chịu sự tác động từ tác phẩm của của mình để thu nhận được những chất liệu tốt nhất, phong phú nhất cho tác phẩm. Giao tiếp tốt với đồng nghiệp và ê kíp làm việc sẽ hội tụ được những khả năng từ tập thể góp phần làm tác phẩm thành công hơn.

Hiện nay, hoạt động báo chí không thể tách rời các sản phẩm của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Do đó, nhà báo phải có kiến thức vững vàng về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật phục vụ tác nghiệp.

Thứ năm, nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực về đạo đức nói chung, đạo đức nghề báo nói riêng. Nhà báo phải có đạo đức trong sáng, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình; tuân thủ pháp luật, trong đó có Luật Báo chí, tự giác làm theo các quy định trong “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Nhà báo phải tuyên truyền cổ vũ và bảo vệ cái tốt, cái đẹp; phản bác và diệt trừ cái xấu, cái ác. Cuộc sống cũng như hoạt động nghề nghiệp của nhà báo phải góp phần làm cho quan hệ giữa người với người trong xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân văn. Nói một cách khái quát, nhà báo phải luôn suy nghĩ và hành động trước hết vì lợi ích của nhân dân và đất nước, phải đặt “cái ta cộng đồng” trên “cái tôi cá nhân”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí cách mạng và nhà báo trong sự chuyển động của thời thế và tư duy