Roger Federer vô địch Wimbledon: Viết tiếp huyền thoại bất tử

Theo vnexpress| 17/07/2017 14:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Grand Slam vừa đoạt được là minh chứng cho vẻ đẹp và sự bền bỉ của con "Tàu tốc hành" vẫn chạy tốt suốt 14 năm qua.

Ngày này cách đây một năm, thế giới quần vợt tưởng như phải chứng kiến đoạn cuối của một huyền thoại. Trận bán kết giải Wimbledon kết thúc sau năm set, nhưng sân Trung tâm không mừng cho người thắng cuộc là Milos Raonic, mà thẫn thờ nhìn kẻ bại trận Roger Federer. Trong giây phút ấy, ngay cả những người yêu thương nhất cũng âu lo là Federer không thể trở lại đỉnh cao được nữa.

roger-federer-vo-dich-wimbledon-viet-tiep-huyen-thoai-bat-tu

Thất bại ở bán kết Wimbledon 2016 tưởng chừng là dấu chấm hết cho sự nghiệp của Federer, nhưng điều đó đã không xảy ra. Ảnh: EPA.

Tuy nhiên, những gì không thể giết Federer sẽ càng khiến anh trở nên mạnh mẽ hơn. Người đàn ông được Rafael Nadal mô tả là "một quái nhân kiệt xuất của tạo hóa" đã giành Grand Slam thứ 19 trong sự nghiệp, chỉ ba tuần trước sinh nhật lần thứ 36. Và đấy là một trong những danh hiệu thuyết phục nhất mà lịch sử quần vợt từng chứng kiến, khi Federer đi đến ngôi cao mà không để thua một set nào.

"Tàu tốc hành" là biệt danh mà người hâm mộ đã gọi anh từ chục năm nay. Tên thân mật của anh, Fedex, là một hãng giao hàng nhanh. Mười bốn năm rồi, kể từ danh hiệu đơn nam đầu tiên, con tàu ấy vẫn chạy tốt, dù đã có một thời gian phải dừng lại để... bảo trì

Đó là mùa thu năm ngoái, Federer nhận ra có gì đó không ổn trong cơ thể mình. Lần đầu tiên trong sự nghiệp, anh phải lên bàn mổ vì một vết rách ở đầu gối trái. Vết mổ ấy khiến anh phải chia tay gần như toàn bộ mùa giải, bỏ cả Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, nơi anh từng đặt mục tiêu giành thêm một HC vàng.

Tháng 8/2016, tức nửa năm sau ca phẫu thuật, Federer vác vợt ra sân tập lại cho đỡ nhớ. Đầu gối anh biểu tình, và thế là anh lại nghỉ. Nhưng con người vận động viên không cho phép anh ngồi yên. Thế là anh leo núi, với đích đến là đỉnh Alps. Anh đã hít thở thứ không khí trong lành nhất trong đời, khi các đối thủ - đồng nghiệp đang tranh Grand Slam ở New York.

roger-federer-vo-dich-wimbledon-viet-tiep-huyen-thoai-bat-tu-1

Federer biết tạm dừng đúng lúc để sạc lại năng lượng và trở lại ấn tượng ở mùa giải hiện tại.

Phải đến tận tháng 11/2016, Federer mới có thể cầm vợt trở lại. Và cùng với HLV thể lực Pierre Paganini, người đã đi cùng anh từ năm 2000, Federer từng bước lấy lại thể lực và phong độ. Đấy là người đồng hành tận tụy, luôn làm mọi cách để Federer cân bằng giữa thể lực và thứ quần vợt đầy mỹ cảm của anh. Nhờ Pierre, Federer vẫn trung thành với lối chơi đã trở thành bản sắc trong suốt 1.358 trận đấu đã qua trong sự nghiệp.

Một con người đã trụ vững ở đỉnh cao 14 năm, ý chí tất nhiên phải phi thường. Không có ý chí của chiến binh, Federer đã gục ngã từ một năm về trước. Anh cũng sẽ từ bỏ chứ không lầm lũi đi tiếp dù trải qua cơn khát Grand Slam kéo dài bốn năm rưỡi. Anh cũng sẽ nản chí khi sáu tháng trời chỉ được nhìn cây vợt, chứ không thể ra sân cùng nó. Xin hãy nhớ đấy là một chấn thương nặng, giáng vào một người chưa từng có trải nghiệm chấn thương khi anh ta đã 35 tuổi!

Nhưng ý chí không phải là điều đặc biệt nhất ở Federer. Nó thuộc về Rafael Nadal nhiều hơn. Nói cách khác, Nadal rất giống Cristiano Ronaldo, một con người miệt mài khổ luyện, biết giấu điểm yếu và phô điểm mạnh. Còn Federer? Anh chính là Lionel Messi, một thiên tài, một sự ưu ái của Tạo hóa, như lời của chính Nadal.

Đẹp không phải là mục tiêu của những môn thể thao đối kháng. Mục tiêu tối thượng của nó là thắng trận. Nhưng Federer là người hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, dung hòa được cả hai. Anh không đánh tennis, anh chơi tennisđúng nghĩa. Anh thiết lập một thứ ngôn ngữ riêng cho môn thể thao này, nhưng thứ ngôn ngữ ấy, từ châu Á đến Nam Mỹ, từ lục địa già đến xứ cờ hoa, ai cũng hiểu và yêu mến.

Vị trí của Federer trong ngôi đền thiêng tennis là không thể bàn cãi. Khi Nadal giành Grand Slam thứ 15 để thu hẹp khoảng cách được một chút thì Fedex đã nâng số Grand Slam lên con số 19. Nếu Nadal là Vua đất nện, thì Federer là Vua của tennis. Và khi những ngôi sao cùng thời đang tìm cách thu hẹp khoảng cách trình độ với Federer thì có lẽ anh đã rời khỏi đó, để đi đến một ngôi đền khác dành cho những VĐV hay nhất lịch sử thể thao, nơi có Muhammad Ali, Pele, Michael Jordan hay Donald Bradman.

Quần vợt là một môn thể thao cô đơn, và tra tấn tinh thần rất dữ dội. Đó là nơi mà các VĐV không chỉ đấu với nhau mà còn đấu với chính họ, với cơ thể và tinh thần họ. Cũng một pha bóng mà ta đã đánh cả nghìn lần, bỗng dưng có chút căng thẳng là sai một li, đi một dặm. Với VĐV chuyên nghiệp, nó còn là sự cô đơn của những chuyến đi xa, của thảm đỏ, của những đêm một mình trong khách sạn.

Nhưng nhìn Federer thi đấu, dường như không thấy sự căng thẳng nào cả. Người ta gọi anh là "Quý Ngài" cũng là vì lẽ ấy. Vui không quá trớn, buồn không bi lụy. Anh không thấy câu giờ, đập vợt, phàn nàn với trọng tài, kêu gọi sự ủng hộ từ khán đài hay gầm lên sau khi ăn điểm. Anh điềm đạm như... đồng hồ Thụy Sĩ, cần mẫn làm công việc của mình một cách đẹp nhất. Lần cuối cùng Federer đập vợt, tóc anh hãy còn uốn lượn và khi ấy anh còn chưa thành hôn với Mirka.

Với Federer, đẹp là một tôn giáo. Mặc đồ đẹp, mang giày đẹp, đánh đẹp và... thua cũng đẹp. Có rất nhiều người thắng trận cao thượng, nhưng lại rất ít người thua hòa nhã. Federer là người hiếm hoi ấy. Anh học cách chấp nhận thất bại tốt hơn người khác, có lẽ vì anh biết đối thủ lớn nhất của Fedex thực ra là chính bản thân anh.

roger-federer-vo-dich-wimbledon-viet-tiep-huyen-thoai-bat-tu-2

Tennis, với Federer, giống như hơi thở và không khí. Anh chấp nhận thất bại rồi luôn biết cách đứng lên.

Trận chung kết Wimbledon thắng Marin Cilic hôm 16/7 không hẳn là một trận đấu xuất sắc của Federer. Nó giống một trận đấu bình thường, trong cả nghìn trận đấu đã qua của anh. Tức là Federer vẫn đặt trọn vẹn cái tâm anh vào đấy. Anh đâu chỉ yêu danh hiệu hay sự cạnh tranh, anh yêu môn thể thao này. Anh yêu những chuyến đi, những buổi tập, CĐV, những cuộc họp báo, yêu truyền thống, lịch sử và làm nên lịch sử. Và Federer thậm chí yêu cả sự căng thẳng trước mỗi trận đấu. "Tôi luôn nói sự căng thẳng là một điều tuyệt vời", anh chia sẻ.

Anh không nói, có lẽ chẳng ai biết được Federer cũng cảm thấy căng thẳng. Bởi cái đẹp trong cách đánh của Federer rất thoát tục, nó đẹp một kiểu khác so với phong cách rất đời của Nadal.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Roger Federer vô địch Wimbledon: Viết tiếp huyền thoại bất tử