Mỹ: Tranh cãi pháp lý xung quanh một bản án tử hình

13/09/2012 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bản án tử hình đối với Warren Hill khiến dư luận Mỹ quan tâm. Về mặt pháp lý, điều này là trái với luật pháp Hoa Kỳ, vốn cấm việc áp dụng án tử với người bị thiểu năng trí tuệ.

Mặc dù bất kỳ ai tiếp xúc với Hill dù chỉ 15 phút đều có thể khẳng định người này thiểu năng trầm trọng nhưng vấn đề là phải làm sao chứng minh được điều đó theo các tiêu chuẩn pháp lý rối rắm của bang Georgia. Điều này, các luật sư và những người ủng hộ bị cáo vẫn “vô kế khả thi”, trong khi thời gian của Hill thì ngày càng ít dần.

Tử tù chậm phát triển về trí tuệ

 

Những giờ phút cuối cùng của tử tù Warren Hill đang điểm. Mặc dù được hoãn thi hành án chỉ 90 phút trước khi bị đưa vào phòng hành quyết (việc trì hoãn này có thể kéo dài vài tháng), nhưng không phải là để thảo luận xem Hill “có đáng chết không” mà là để quyết định xem tử tù này sẽ “chết theo cách nào”. Sự thực, lệnh hoãn của Tòa án Tối cao bang Georgia để xem xét tính hợp pháp của quyết định thay đổi cách hành quyết tử tù, từ tiêm ba liều thuốc độc như hiện tại, sang sử dụng một liều duy nhất.

 

Mỹ: Tranh cãi pháp lý xung quanh một bản án tử hình

Tử tù Warren Hill

 

Trước khi phải nhận án tử hình, Warren Hill (52 tuổi) từng chịu án chung thân từ năm 1986 vì tội giết bạn gái 18 tuổi bằng 11 phát súng. Ngồi tù 4 năm, Hill tiếp tục gây án khi đánh chết bạn tù Joseph Handspike bằng một chiếc bảng gỗ trong khi người này đang ngủ. Hill đã đập liên tiếp vào đầu và ngực của nạn nhân cho đến khi Handspike tắt thở. Ra tòa năm 1991 với tội danh đánh người gây thương tích và giết người có tăng nặng, bản án tử hình dành cho Hill thực ra không có gì phải tranh cãi. Và thời gian 11 năm chờ thi hành án (từ 1991) tuy chưa phải là kỷ lục ở Mỹ nhưng cũng đã có thể coi là dài.

 

Vậy nhưng, việc thi hành án Warren Hill lại gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ chưa từng có cả ở trong nước lẫn quốc tế vận động ân xá giảm án cho tử tù này, bao gồm cả cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Cả thân nhân của người bị hại cũng không ngoại lệ. Richard Handspike, cháu của nạn nhân đồng thời là người phát ngôn của gia đình tuyên bố: “Chúng tôi không muốn Hill bị hành quyết, chúng tôi cho rằng án chung thân không được ân xá sẽ là giải pháp phù hợp và đúng đắn đối với cả hung thủ và gia đình chúng tôi”. Tại sao một kẻ sát nhân máu lạnh lại nhận được sự ưu ái đến vậy? Câu trả lời là vì Warren Hill có chỉ số thông minh (IQ) là 70, thuộc nhóm người chậm phát triển về trí tuệ. IQ nói trên chỉ tương đương với một đứa trẻ 8 tuổi, và tử hình một đứa trẻ (dù là trong hình hài của một người trung niên) cũng là điều mà người ta khó có thể chấp nhận.

 

Chứng minh thiểu năng - nhiệm vụ “bất khả” của bên bị

 

Nước Mỹ nổi tiếng là có hệ thống pháp lý phức tạp với các phán quyết chồng chéo giữa các cấp Tòa án với nhau. Năm 2002, trong vụ án Atkins và bang Virginia, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết cấm hành hình những người có khiếm khuyết về trí tuệ. Đây được coi là một phán quyết mang tính lịch sử, nhưng phạm vi ảnh hưởng ở mức tiểu bang không cao. Trong vụ án Warren Hill, Tòa án Tối cao bang Georgia (với số phiếu 4/3) ra phán quyết y án tử hình, tiếp đó Tòa án phúc thẩm liên bang đặt tại Atlanta (với số phiếu 7/4) ủng hộ quyết định nói trên. Ủy ban Ân xá tiểu bang đã lắc đầu, các luật sư của bị cáo cũng đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao, nhưng Tòa từ chối thụ lý. Vấn đề là ở chỗ, trong khi coi việc tử hình người chậm phát triển trí tuệ là vi hiến, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cũng dành quyền cho hệ thống tư pháp các tiểu bang xây dựng các thủ tục và trình tự cần thiết để thực hiện phán quyết này.

 

Bang Georgia (nơi Warren Hill bị kết án) là tiểu bang duy nhất trên toàn nước Mỹ yêu cầu bên biện hộ phải tự chứng minh thân chủ của mình chậm phát triển về trí tuệ để có thể tránh khỏi hình phạt cao nhất. Cụ thể, luật tiểu bang đòi hỏi bên bị phải chứng minh sao cho “hoàn toàn không còn nghi ngờ gì” về sự thiểu năng của bị cáo, mà theo các chuyên gia tâm thần học là điều không thể thực hiện được. Tiến sỹ tâm thần học Robert Latzman (ĐH Georgia) phân tích: “Giới luật gia thường đi tìm câu trả lời theo kiểu có hoặc không. Chúng tôi thì khác, chúng tôi chỉ nói đến xác suất và thống kê, điều này khiến cho “hoàn toàn không còn nghi ngờ” là một tiêu chuẩn pháp lý không khả thi”.

 

Trở lại vụ án Warren Hill, bên bị đã đưa ra lời chứng của nhiều chuyên gia về việc người này bị thiểu năng trí tuệ. Kết quả học tập tại trường xếp Hill vào trong số 2 - 3% học sinh kém nhất cùng độ tuổi. Các giáo viên của Hill cũng đứng lên làm chứng, khẳng định bị cáo thể hiện sự thiểu năng rõ rệt khi đi học, và chỉ được lên lớp “cho xong chuyện” vì ở trường không có chương trình giáo dục đặc biệt cho người thiểu năng. Kết quả kiểm tra IQ của Warren Hill cũng cho thấy người này thuộc nhóm 2% trí tuệ kém phát triển nhất nước Mỹ với những khiếm khuyết trí não rất rõ ràng. Tuy vậy, việc chứng minh bằng sự kiện như vậy vẫn chưa đạt tiêu chuẩn “hoàn toàn không còn nghi ngờ” theo luật, đồng nghĩa với việc Warren Hill không thoát được việc bị hành hình.

 

Hải Yến (theo Washington post)

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ: Tranh cãi pháp lý xung quanh một bản án tử hình