Australia: Kinh hoàng tên “sát nhân đồ lót” (kỳ 3)

congly.com.vn| 13/04/2012 11:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

6 bản án chung thân là những gì mà Glover phải trả cho tội ác của mình, dù rằng khó có thể coi đó là một sự đền bù thỏa đáng cho gia đình các nạn nhân. Đứng ở khía cạnh tội phạm học, vụ án Glover thực sự để lại nhiều điều đáng phải nghiên cứu về góc khuất tâm lý của một trong những kẻ giết người hàng loạt tàn bạo nhất trong lịch sử thế giới.

Kỳ 3: Phiên tòa và những điều đọng lại

Phiên xử Glover diễn ra vào tháng 11-1991. Bị cáo phủ nhận tội giết người với lý do hắn bị điên loạn khi thực hiện các vụ án mạng man rợ này. Tuy nhiên, Tòa không chấp nhận lời biện hộ này và chỉ cần hai giờ rưỡi thảo luận để khẳng định Glover có tội và không hề mất trí. Chánh án tuyên phạt mức án cao nhất dành cho Glover với 6 bản án chung thân. Cùng với đó, Glover sẽ không bao giờ được xét ân xá hay trả tự do trước thời hạn. Và, có lẽ tuyệt vọng trước viễn cảnh sẽ không bao giờ được hít thở không khí tự do nữa, John Wayne Glover đã treo cổ tự tử trong phòng giam của mình vào tháng 9-2005, khép lại một trong những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử tội phạm Australia.


Xét về phương diện tội phạm học, những kẻ sát nhân để lại “danh thiếp” thường lặp đi lặp lại những dấu hiệu đặc trưng trong các vụ giết người. Những kẻ như vậy rất nguy hiểm, bởi mỗi khi tội ác xảy ra là tất cả dư luận đều biết rằng kẻ giết người vẫn còn đang ngoài vòng pháp luật. Ở trường hợp của Glover là hành vi đánh đập dã man các cụ già ở nơi công cộng và dùng đồ lót của chính họ để siết cổ nạn nhân. ũng giống như nhiều kẻ giết người hàng loạt đặc biệt thông minh khác, Glover tạo cho mình một vỏ bọc không thể bình thường hơn. To lớn, ngoài 50 tuổi, thân thiện, có thể nói Glover là hình mẫu điển hình cho tầng lớp trung lưu tại Australia và là người mà hàng xóm có thể tin tưởng giao con cái nhờ trông nom khi có việc đi xa.

Điều tréo ngoe là cho đến trước khi bị bắt, y là tình nguyện viên tại tổ chức từ thiện dành cho người già, trong đó có rất nhiều người nổi tiếng như cựu Thị trưởng Tp. Mosman. Tuy nhiên, ở mặt tối, y dành hết số tiền cướp được từ các vụ giết người để bài bạc và rượu chè say sưa tối ngày. Mặc dù vậy, Glover rất biết cách chăm chút cho vỏ bọc một trung niên bình dân của mình. Hắn làm đại diện bán hàng cho Công ty bánh Four'n Twenty. Những cái siết tay nhiệt thành và nụ cười thường trực trên môi khiến rất nhiều khách hàng quý mến Glover.

Tên giết người hàng loạt John Wayne Glover

Sẽ nhẹ nhàng hơn cho gia đình các nạn nhân rất nhiều nếu hung thủ là một kẻ điên loạn. Tuy nhiên, họ và cả bồi thẩm đoàn nữa đều không tin gã đàn ông trung niên lực lưỡng này điên hay mất trí khi xuống tay thực hiện các vụ giết người. Một nhà tâm lí học nổi tiếng lý giải, Glover nuôi dưỡng sự thù hận và hung hãn của mình với các cụ bà ngay từ khi còn nhỏ. Hắn ghét mẹ mình và mẹ vợ mình. Khi họ chết, hắn quyết định làm như thế với người khác. Đây là một trường hợp rất bất thường bởi rất ít kẻ giết người hàng loạt nào không điên hoặc có một căn bệnh nào đó trong não. Glover hoàn toàn không như thế. Hắn không điên. Hắn nhận thức rất rõ những gì mình đang làm. Khi giết người cũng là lúc Glover lên kế hoạch sẽ làm gì với ví tiền của nạn nhân. Những vụ án mạng mà hắn gây ra không có động cơ tình dục. Việc hắn dùng quần lót nạn nhân để xiết cổ họ chỉ nhằm mục đích bảo đảm rằng nạn nhân thực sự đã chết. Ngoài ra, cách thức này cũng sẽ khiến Cảnh sát lầm tưởng rằng những vụ án đó do một kẻ tội phạm tình dục thực hiện. Glover biết chính xác hắn đang làm gì. Hắn chọn nạn nhân là người già do họ không có khả năng phòng vệ trước sức mạnh vượt trội của hắn.


John Glover là một kẻ nghiện bài bạc. Hắn có thể đứng nhiều giờ tại một bàn chơi bài ở một CLB RSL Mosman. Và cách dễ nhất để Glover có tiền nhằm trang trải cho thói quen tốn kém này là ăn trộm. Chính vì thế, Cảnh sát đã phát hiện sau đó, Glover có tiền án về tội trộm cắp và tiền sự về các vụ tấn công phụ nữ không có khả năng phòng vệ, ngay từ khi mới nhập cư đến Australia từ Anh vào năm 1956. Đến năm 1965, Glover bị kết án 3 tháng tù vì tội “nhìn trộm”, song thực tế y chỉ phải nằm khám có 6 tuần. Sau khi được trả tự do, Glover dường như thay đổi cách thức phạm tội và không có tên trong sổ đen của cảnh sát suốt 25 năm sau đó.


Ngoài ra, một trong những lý do đẩy Glover trở nên vô cùng thù hận các cụ bà là bởi cuộc hôn nhân năm 1968 với Jacqueline Gay Gali Rolls. Năm 1970, đôi vợ chồng chuyển tới Sydney sống với bố mẹ của Gay do bố vợ y lúc này đã ốm rất nặng. Chính từ đây, sự xung đột không thể hoá giải được giữa Glover và mẹ vợ đã xuất hiện. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi cha của Gay qua đời vào năm 1981. Mọi chuyện còn tệ đến mức không thể chịu được khi mẹ Glover nhập cư Australia vào năm 1982 và xuất hiện trước cửa nhà y.


Hải Yến (theo Trutv.com)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Australia: Kinh hoàng tên “sát nhân đồ lót” (kỳ 3)