Tổng thống Donald Trump liên tục đi nước cờ "rắn", khó đoán định

Nhật Minh| 12/02/2017 20:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính sách đối ngoại khó đoán định, sử dụng quyền lực đơn phương ban hành sắc lệnh gây tranh cãi, Tổng thống Mỹ có thể khiến nhiều người hoang mang không hiểu liệu ông đang muốn làm gì và sẽ làm gì tiếp theo?

Gần một tháng trôi qua kể từ ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức, truyền thông thế giới dường như đang bị “bí đề tài” liên quan đến vị tân chủ nhân Nhà Trắng. Nghe có vẻ khôi hài nhưng không thể phủ nhận rằng đó là lời nhận xét khá chính xác trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay. “Ngài Trump quá nổi trong chiến dịch tranh cử rồi, vì thế hãy để Ngài ấy được yên để thực hiện nghĩa vụ và trọng trách cao cả của mình”, một người cau mày.

Tổng thống đời thứ 45 của nước Mỹ là một nhà tài phiệt nổi tiếng, một chuyên gia truyền thông có sức hút đặc biệt: tỷ phú Donald Trump. Vậy nhưng với xuất thân lép vế trước đối thủ - cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - trong cuộc đua vào Nhà Trắng, chiến thắng của ông dù cho rất thuyết phục thì vẫn bị nhiều người giàu kinh nghiệm chính trị xem thường. Thậm chí, không ít kẻ còn chờ đợi và phán như thánh sống rằng… “Chẳng chóng thì chầy, Ngài Trump cũng sẽ ngã ngựa thôi!”. Nhưng chúng ta hãy cùng nhìn lại những gì Tổng thống Trump đã làm ngay sau khi mới chính thức tuyên thệ nhậm chức được ít ngày.

“Nắn gân” Quốc hội bằng quyền lực đơn phương

Trong khi những nỗ lực pháp lý cần phải mất thời gian thì ngược lại, chỉ cần một chữ ký trên giấy từ tòa Bạch Ốc lại thường có thể đem lại những thay đổi về chính sách và hoạt động của chính phủ. Và vì thế, ông Trump dường như không để phí thời gian và tận dụng một cách tối đa đặc quyền của mình trên cương vị Tổng thống: sử dụng quyền lực đơn phương để “nắn gân” Quốc hội, các chuyên gia phân tích đánh giá.

Tổng thống Donald Trump liên tục đi nước cờ

Kể từ sau ngày nhậm chức, Tổng thống Trump đã đưa ra 20 bản ghi nhớ và sắc lệnh hành pháp

Kể từ sau ngày nhậm chức, Tổng thống Trump đã đưa ra 20 bản ghi nhớ và sắc lệnh hành pháp, mà theo đó, các mệnh lệnh mới tức khắc có hiệu lực chứ không cần chờ Quốc hội thông qua. Trong số này, sắc lệnh yêu cầu tạm thời không nhận người tị nạn từ Syria trong 120 ngày đồng thời cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria trong 90 ngày được ông chủ Nhà Trắng ký ngày 28/1 đã gây phản ứng dữ dội từ không chỉ cộng đồng quốc tế mà ngay trong chính bộ máy chính quyền Mỹ. Theo họ, sắc lệnh của ông Trump “đi ngược lại” một trong những nội dung quan trọng của Hiến pháp về việc không được phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo.

Cụ thể, ngày 29/1, Tổng chưởng lý của 16 bang tại Mỹ (gồm cả California, New York và Pennsylvania)  đã ra tuyên bố chung khẳng định “sẽ dùng tất cả mọi công cụ trong quyền hạn để chống lại sắc lệnh vi hiến” của Tổng thống Trump. Ngày 30/1, Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson còn quyết liệt hơn khi đệ đơn kiện tuyên bố lệnh cấm nhập cư mà Ngài Trump áp đặt với 7 quốc gia Hồi giao là “phi pháp” và “vi hiến”! Cùng với đó là tình trạng hỗn loạn tại các sân bay trên toàn nước Mỹ và làn sóng phản đối toàn cầu do sắc lệnh cấm nhập cư của tân Tổng thống gây ra.

Sắc lệnh cấm công dân 7 nước Hồi giáo lớn nhập cảnh vào Mỹ của ông Trump cũng châm ngòi cho một sự phản kháng chưa từng có của Bộ Ngoại giao Mỹ, với hơn 900 nhân viên của Bộ đã ký vào bản kiến nghị phản đối sắc lệnh. Hiện sắc lệnh này đang đối mặt với thách thức bị Tòa án Tối cao Mỹ xét lại. Cần phải nói thêm rằng, mặc dù sắc lệnh hành pháp của tổng thống mang tính ràng buộc pháp lý và không thể bị Quốc hội xóa sổ, song nó lại chịu sự giám sát của ngành tư pháp và thậm chí có thể bị bãi bỏ nếu Tòa án Tối cao tuyên bố sắc lệnh đó là “vi hiến”. Vậy nhưng, để xác định sắc lệnh hành pháp hợp hiến hay vi hiến lại không phải là việc dễ dàng mà nó được mô tả như một “cuộc chiến pháp lý” đầy căng thẳng.

Tất nhiên, theo các nhà nghiên cứu, việc Tổng thống Trump sử dụng quyền lực đơn phương không phải điều lạ lẫm và bị xem là “lạm quyền” như nhiều người nhận xét, bởi Hiến pháp Mỹ cung cấp cho người đứng đầu đất nước quyền hành rất lớn trong việc ban hành các chính sách đối ngoại. Tổng thống Mỹ sẽ có quyền ban hành sắc lệnh hành pháp về mọi khía cạnh của chính quyền liên bang, từ việc thiết lập cơ quan chính phủ mới cho đến giới hạn quyền truy cập các thông tin của chính phủ. Theo thống kê, đã có hơn 13.000 sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Mỹ ban hành kể từ năm 1789 đến nay; trong số đó, Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước đã ký 277 sắc lệnh hành pháp.

Chỉ có điều, có lẽ do những dấu ấn mà vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ để lại quá lớn, cộng với sức mạnh truyền thông trong thời đại công nghệ số dường như càng làm cho những “khác biệt” của tân Tổng thống Mỹ trở nên “dị biệt” hơn trong mắt công chúng Mỹ và cộng đồng thế giới. Chuyện khôi hài đến mức nhiều người chẳng bao giờ quan tâm đến tình hình quốc tế cũng phải mở smartphone để cập nhật tình hình Ngài Trump có điều gì mới mẻ không v.v… và v.vv…

Chính sách đối ngoại khó đoán định

Chưa hết, điều nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, các chuyên gia quân sự, các nhà ngoại giao quan tâm đặc biệt quan tâm là động thái của tân Tổng thống Mỹ đối với các siêu cường thế giới, các liên minh quốc tế lớn có sức mạnh chi phối đặc biệt đến trật tự toàn cầu. Đối với các quốc gia đối trọng với Mỹ, việc theo dõi, quan sát nhất cử nhất động của Tổng thống Trump để phân tích, phán đoán, từ đó đưa những kế sách ngoại giao hợp lý có lẽ là ưu tiên số 1 trong bối cảnh chính sách đối ngoại của chính quyền Washington còn nhiều điểm chưa rõ ràng, thậm chí vô cùng khó đoán.

Chẳng hạn trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đúng 20 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng, ông rất “vinh dự” tiếp tục theo đuổi chính sách được các lãnh đạo Mỹ tuân thủ từ thời Tổng thống Richard Nixon đến nay. Cụ thể, Tổng thống Trump “không cảm thấy bị ràng buộc bởi chính sách một Trung Quốc trừ khi chúng ta thực hiện một loạt thỏa thuận mà Trung Quốc phải làm, gồm cả vấn đề thương mại”, nhiều hãng thông tấn quốc tế lớn dẫn lời ông.

Tổng thống Donald Trump liên tục đi nước cờ

Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm đầy "thiện chí" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tuyên bố mới của tân Tổng thống Mỹ được cho là sẽ có tác dụng làm giảm bớt căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan khi trước đó ông từng có cuộc điện đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào tháng 12 năm ngoái với nội dung khiến Bắc Kinh “tức giận”. Cụ thể, trong cuộc điện đàm ông Trump đã tuyên bố sẽ tiếp bà Thái khi đã nhậm chức, đồng thời “đàm phán lại” nguyên tắc “một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Giới phân tích cũng cho rằng, quan hệ Washington - Bắc Kinh có thể sẽ nồng ấm hơn khi vừa mới đây, hôm 10/2, truyền thông Trung Quốc đồng loạt lên tiếng hoan nghênh bức thư chúc mừng năm mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tờ China Daily cho biết, bức thư truyền tải thông điệp “trấn an” rằng, quan hệ song phương giữa hai nước hiện vẫn đang “đi đúng hướng” bất chấp những đồn đoán nảy sinh sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Và theo bài báo, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, bức thư, dù nội dung rất ngắn gọn và đưa ra khá muộn, vẫn là một “tín hiệu tích cực” và là một “món ăn ngon đáng chờ đợi” nhân dịp năm mới. Trong khi đó, trang tin CNBC dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để duy trì những nguyên tắc tránh xung đột hoặc đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và vì lợi ích chung để mở rộng hợp tác, giải quyết những khác biệt và đẩy mạnh phát triển hơn nữa quan hệ tốt đẹp và bền vững Mỹ - Trung”.

Ấy vậy nhưng… Có lẽ quá nhàm chán khi một lần nữa phải nhắc lại cụm từ này, song với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, chẳng thể biết trước ông sẽ làm gì và điều gì sẽ xảy ra trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay. Tại cuộc hội đàm ngày 10/2 với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bên cạnh cam kết thắt chặt liên minh, cả hai lãnh đạo Mỹ - Nhật đều khẳng định “tầm quan trọng” của “tự do lưu thông hàng hải” ở biển Đông, báo NPR (Mỹ) cho biết. Còn Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) thì dẫn lời Thủ tướng Abe cho biết, cả ông và Tổng thống Trump cùng phản đối việc đơn phương dùng vũ lực, cải tạo, thay đổi hiện trạng biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Rõ ràng là, trong khi Tổng thống Trump vừa mới có khá nhiều động thái cho thấy mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc như đã nói ở trên, thì nội dung cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản lại cho thấy khả năng ông Trump sẽ hành động quyết liệt hơn nhiều so với các Tổng thống tiền nhiệm trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí, USA Today còn cho rằng Tổng thống Trump sẽ tăng gấp đôi quy mô tuần tra biển Đông mà cựu Tổng thống Barack Obama đã thực hiện. Và tất nhiên, “muốn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, hãy đợi đấy!”, một nhân viên văn phòng quan tâm đến tình hình thế giới bình luận. “Bởi ngay với cựu đặc nhiệm KGB - Tổng thống Nga Vladimir Putin còn khó có thể đoán được người đồng cấp nước Mỹ (mà truyền thông vốn xem hai vị này có “quan hệ thân thiết”) sẽ nghĩ gì và làm gì kia mà”, người này nói tiếp.

“Giá trị cốt lõi của nước Mỹ” mới là đích đến

Trước khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng thuyết phục trước đối thủ, cựu Tổng thống Barack Obama đã hi vọng có thể chuyển giao những di sản của mình trong hai nhiệm kỳ qua cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton - một phụ nữ dày dạn kinh nghiệm trên trường chính trị. Thế nhưng, cũng chính ông Obama và dành lời khuyên chân tình nhất cho bà Clinton khi bà thất bại. Vị Tổng thống Mỹ thứ 44 đã nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận sự thật và sẵn sàng đối mặt với nó.

Tổng thống Donald Trump liên tục đi nước cờ

Tổng thống Donald Trump liên tục đi nước cờ

Thế giới và người dân Mỹ đang chờ đợi những gì Tổng thống Donald Trump đã hứa trong bài diễn văn nhậm chức hôm 20/1: “Chúng ta sẽ cùng nhau làm nước Mỹ hùng mạnh trở lại”.

Và cũng lần đầu tiên kể từ khi mãn nhiệm, ông Obama đã thể hiện quan điểm của mình khi chứng kiến cảnh hỗn loạn của dòng người biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cư mà Tổng thống Donald Trump vừa mới ban hành. Bởi trong bài phát biểu cuối cùng trước khi rời nhiệm sở, ông Obama cho biết sẽ noi gương cựu Tổng thống Bush “con”, không can thiệp vào việc điều hành đất nước của người kế nhiệm. Tuy nhiên, chính ông cũng khẳng định sẽ lên tiếng nếu như những gì mà ông cho là “giá trị cốt lõi của nước Mỹ” bị vi phạm.

Những di sản ông Barack Obama để lại có thể rất dễ dàng bị phá bỏ, như nhiều chuyên gia lo ngại. Tuy nhiên, hãy cùng nghe lại những lời tâm huyết của vị tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1 để hiểu đằng sau những hành động khó đoán định mà ông đang làm chỉ nhằm môt mục đích lớn lao và cao cả hơn: “làm nước Mỹ trở nên hùng mạnh” và vì những giá trị cốt lõi của nước Mỹ.

“Các bạn sẽ không bao giờ bị lãng quên lần nữa”.

“Chúng ta sẽ cùng nhau làm nước Mỹ giàu có trở lại”.

“Chúng ta sẽ làm nước Mỹ tự hào trở lại”.

“Đúng thế, chúng ta sẽ cùng nhau làm nước Mỹ hùng mạnh trở lại”.

Và điều kỳ lạ là vào thời khắc đó, trên khán đài, người ta thấy ông Barack Obama nói khẽ: “Tốt lắm! Tốt lắm!”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Donald Trump liên tục đi nước cờ "rắn", khó đoán định