Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công khai hàng triệu trang của tài liệu mật về vụ ám sát cựu Tổng thống Kennedy, giới phân tích ngay lập tức phát hiện thêm nhiều nghi vấn mới xung quanh vụ án bí ẩn nhất thế kỷ 20.
Ngày 26/10 vừa qua,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định công khai hơn 2.800 tài liệu mật cùng 5 tình tiết mới về vụ ám sát cố Tổng thống Mỹ thứ 35 khiến dư luận bất ngờ. Tuy nhiên, đến phút chót hàng trăm hồ sơ chứa đựng những chi tiết được cho là đắt giá nhất đã bất ngờ bị hoãn công bố.
Reuters dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Trump muốn giải mật toàn bộ tài liệu, nhưng các cơ quan tình báo, bao gồm FBI và CIA đã ngăn cản ông vì lo ngại ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và quan hệ đối ngoại.
Mặc dù vậy, với hàng triệu trang của 2.800 tài liệu vừa được công bố, giới quan sát đã phát hiện được những nghi vấn mới xung quanh vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy thông qua bản ghi nhớ của ông Edgar Hoover, người từng là giám đốc FBI lúc bấy giờ .
Theo thông tin ghi chép của cựu Giám đốc FBI Edgar Hoover, vào ngày 22/11/1963, một nhân vật nặc danh đã gọi điện đến tòa soạn của hãng tin Anh Cambridge News. Cụ thể, phóng viên này đã nhận cú điện thoại lúc 18h05 giờ GMT ngày 22/11/1963, tức là chỉ 25 phút trước khi cố Tổng thống Kennedy bị bắn vào đầu. Người ở đầu dây bên kia gợi ý ông gọi điện tới Đại sứ quán Mỹ ở London để có “tin giật gân”.
Giới quan sát đã phát hiện được những nghi vấn mới xung quanh vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy
Phóng viên này sau đó đã trình báo về nội dung cuộc điện thoại cho giới chức địa phương và cơ quan an ninh MI-5 của Anh. Mi-5 đã lập tức báo tin về cuộc điện này cho giới chức an ninh Mỹ. Tuy nhiên, quá khó đối với người Mỹ để ngăn chặn thảm hoạ bởi thông tin mà họ nhận được quá chung chung. Đến hiện tại, vẫn chưa bên nào có thể chứng minh cuộc gọi nặc danh trên với vụ ám sát Tổng thống Kennedy.
Bản ghi nhớ viết tay của Giám đốc FBI Edgar Hoover cũng gợi mở thêm một nghi vấn khác xung quanh cái chết của nghi phạm Oswald. Ông Hoover cho biết, FBI đã nhận điện thoại nặc danh rằng Oswald có thể bị thủ tiêu. FBI ngay lập tức cảnh báo với cảnh sát Dallas.Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát tại thành phố Dallas lại không chịu hành động.
Cuối cùng Oswald, nghi phạm duy nhất của vụ ám sát cũng không thoát khỏi cái chết sau khi dính phát đạn chí mạng từ Jack Ruby, một chủ hộp đêm trên địa bàn thành phố Dallas. Lúc đó, hắn đang di chuyển từ sở cảnh sát đến nhà tù địa phương.
Một cuộc điều tra kéo dài 10 tháng từ tháng 11/1963 tới tháng 9/1964 của Ủy ban Warren sau đó vẫn kết luận rằng, Oswald chỉ hành động đơn lẻ và Jack Ruby cũng đã hành động đơn độc khi nổ súng bắn chết Oswald hai ngày sau đó. Tuy nhiên, đa số người Mỹ lại tin có những đối tượng khác ngoài Oswald tham gia vụ ám sát này.
Vụ ám sát năm 1963 khiến Liên Xô lo sợ quân đội Mỹ sẽ đổ lỗi cho mình. Các nhà lãnh đạo tại quốc gia này cũng tin rằng việc Tổng thống Mỹ bị ám sát bằng súng là một phần âm mưu của tổ chức nào đó chứ không phải là hành động đơn độc từ một cá nhân riêng lẻ.
Theo đó, chính quyền Liên Xô từng coi vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy là do Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson tổ chức. Thậm chí, chỉ vài giờ sau cái chết của Tổng thống Kennedy tháng 11/1963, phó Tổng thống Lyndon B. Johnson đã nhanh chóng tuyên bố trở thành Tổng thống Mỹ.
Năm 1965, các nhân viên tình báo Liên Xô còn được FBI trao nhiệm vụ tìm hiểu về Johnson, nhân cách, tiểu sử, bạn bè, gia đình và tất cả những người ủng hộ ông.
Trong một diễn biến liên quan, giới phân tích cho rằng, hiện người quan tâm đặc biệt tới số tài liệu chưa được giải mật chắc hẳn phải là Thượng Nghị sĩ bang Texas - Ted Cruz.
Trong thời gian tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi cha của Thượng Nghị sĩ Ted Cruz có liên quan tới vụ ám sát Tổng thống Kennedy.
Điều này được báo cáo bởi National Enquirer vào tháng 3/2016 dẫn bức ảnh chụp năm 1963 cho thấy Oswald đang phát tờ rơi ủng hộ nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro ở New Orleans với một người đàn ông được cho là rất giống Rafael Cruz – cha của ông Ted Cruz. Gia đình Cruz sau đó đã phủ nhận tính xác thực về cáo buộc và nói rằng họ không có liên quan gì đến kẻ sát nhân.
Tuyên bố của ông Trump đưa ra khi ông và Thượng Nghị sỹ Ted Cruz là các đối thủ sát nút nhau trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Song, sau đó ông Trump chưa có trả lời lại về nội dung đã nhắm vào cha của ông Ted Cruz.
Khi trả lời NBC, Thượng Nghị sĩ Ted Cruz cười và nói ông nóng lòng muốn biết hết tất cả những gì bí mật về vụ ám sát Kennedy.
Giờ đây, sau 54 năm vụ ám sát John F. Kennedy, các thuyết âm mưu phía sau vụ việc vẫn tiếp tục là ẩn số đối với người Mỹ khi Chính phủ Mỹ quyết định trì hoãn công bố các tài liệu nhạy cảm còn lại.