Ứng xử văn hoá

Trung Nguyễn| 15/06/2017 06:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những vấn đề được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV là việc quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội.

Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016. Bộ VH-TT&DL thừa nhận, công tác này còn những bất cập như đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.

Cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.

Ứng xử văn hoá

Bộ VH-TT&DL thừa nhận công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn vẫn còn nhiều bất cập

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong các lĩnh vực ngành VH, TT & DL chịu trách nhiệm quản lý có không ít vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Xác định từng trọng tâm, lãnh đạo Bộ luôn sát sao trong chỉ đạo, quyết liệt trong hành động, theo sát diễn biến thực tế để kịp thời đưa ra định hướng điều hành và xử lý những vấn đề nổi cộm. Trong đó, công tác quản lý, cấp phép hoạt động biểu diễn nghệ thuật; khai thác và sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; công tác quản lý và tổ chức lễ hội; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử... đang được lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo, điều hành.

Cách đây không lâu, dư luận dậy sóng xung quanh câu chuyện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho phép phổ biến hơn 300 bài hát, trong đó có Tiến quân ca (Quốc ca). Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, phải có cách quản lý, hiểu biết sâu sắc vấn đề hơn. “Với công việc về quản lý lĩnh vực đặc biệt như vậy thì phải có những ứng xử rất văn hoá”- Đại biểu Nguyễn Tất Thắng nói.

Quản lý lĩnh vực văn hóa thì phải có cách ứng xử văn hóa, đó là điều đương nhiên. Người quản lý văn hóa không thể là cái máy tính sau khi nạp dữ liệu đầu vào, xử lý theo công thức rồi cho ra những kết quả khô cứng.

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng tiếp tục khẳng định, mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vai trò của văn hóa nói chung, hoạt động văn hóa, nghệ thuật nói riêng là vô cùng quan trọng và điều đó càng đòi hỏi những người làm công tác quản lý văn hóa phải xứng tầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử văn hoá