Triển vọng mới - Thời cơ mới!

Bảo Dân| 08/01/2016 07:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khép lại năm 2015, một sự kiện cực kỳ quan trọng trong hợp tác khu vực của Việt Nam đã bắt đầu.

Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập sau khi bản tuyên bố thành lập được ký kết bởi 10 lãnh đạo của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có hiệu lực, mang theo thời cơ, triển vọng và thách thức mới cho kinh tế Việt Nam.

Triển vọng mới - Thời cơ mới!

Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN ký vào tuyên bố thành lập cộng đồng ASEAN ngày 22/11/2015.

Cùng với các quốc gia thành viên ASEAN, chúng ta vui mừng chào đón sự ra đời Cộng đồng ASEAN của hơn 600 triệu người dân với các nền kinh tế năng động có tổng GDP đạt 2.600 tỷ đôla Mỹ và là một cộng đồng văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và truyền thống. Đây là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết khu vực ở Đông Nam Á, thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc nâng quan hệ liên kết, hợp tác lên tầm cao mới, vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Trong thời gian tới, để hội nhập Cộng đồng ASEAN thành công với vai trò vị thế quốc gia lớn hơn, Việt Nam chúng ta phải phát huy mạnh mẽ nội lực và sức sáng tạo; cùng nhau hành động vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tranh thủ tốt các cơ hội thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Việt Nam sẽ thực thi nghiêm túc các cam kết hội nhập và hợp tác

Các chuyên gia lưu ý Việt Nam đã tiến hành giảm 93% dòng thuế về 0%, chỉ giữ lại 7% số dòng thuế đến năm 2018, bao gồm các mặt hàng ôtô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xe đạp và phụ tùng, rượu bia, sản phẩm chất dẻo, giấy các loại. Đến năm 2018, Việt Nam chỉ còn được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với khoảng 3% số dòng thuế, bao gồm phần lớn là các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường).      

Nền kinh tế Việt Nam mở cửa sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh và những DN dịch vụ Việt Nam yếu thế bắt buộc phải có những điều chỉnh để tạo thế cân bằng với các tập đoàn nước ngoài. Từ trước đến nay, DN Việt Nam chỉ bán sản phẩm sang các nước Lào, Camphuchia, Myanmar... thì khi hội nhập sản phẩm Việt Nam sẽ từng bước đi vào thị trường các nước phát triển khác trong khối. Bản thân DN Việt Nam phải tự nâng cao về mọi mặt thì mới hy vọng đủ sức cạnh tranh với các nước phát triển trong khối ASEAN. Các chuyên gia cho rằng sự chênh lệch về thu nhập lớn giữa các quốc gia ASEAN sẽ là nguyên nhân tạo nên sự di chuyển lao động giữa các quốc gia giàu, nghèo và sẽ là thách thức đối với các DN Việt Nam. Đồng thời, trong thời gian tới, khi các DN Việt Nam đầu tư vào các nước ASEAN sẽ tạo áp lực đối với lực lượng lao động của các DN Việt Nam. Hiện tại lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á – Thái Bình Dương.

Bên cạnh những thách thức đặt ra, AEC cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. Theo đó, các DN Việt Nam có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường hơn 600 triệu dân, không những thế còn có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn là những đối tác của ASEAN, vì ASEAN có một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác thông qua các thỏa thuận Thương mại tự do (FTAs) .

Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định rằng sẽ có rất nhiều lợi ích kinh tế mà chúng ta sẽ gặt hái được, qua đó mang lại cuộc sống sung túc hơn cho tất cả người dân. Đây cũng chính là mục tiêu của Việt Nam và cũng là của Cộng đồng Kinh tế ASEAN!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng mới - Thời cơ mới!