Tôn sư trọng đạo

Bảo Dân| 18/11/2016 06:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các cụ xưa có câu:“Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Câu ca dao tuy đơn sơ nhưng hàm chứa đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc ta trong suốt quá trình hình thành phát triển nền văn hiến Việt Nam.

Ở nơi thôn dã, người ta nói về người thầy đơn giản hơn: “Không thầy đố mày làm nên” nhưng không vì thế mà suy giảm cách nhìn nhận đánh giá công lao của người thầy. 

Điều độc đáo hiếm có trong cách thức tôn vinh nghề dạy học là thuở xưa, đâu phải ai cũng được đi học nhưng ngay cả những người thất học, mù chữ cũng kính trọng nhất mực với những ông đồ, ông giáo làng bởi tôn trọng sự học, tôn trọng người có chữ nghĩa.

Học trò xưa vừa học con chữ của thầy vừa noi gương thầy từ nhân cách, đức độ và đạo làm người, thậm chí cả nếp ăn nếp ở, ứng xử của thầy cũng được học trò noi theo. Hương ước và những quy chuẩn về đạo đức xã hội cũng có quy định thành lệ tục tốt đẹp từ xưa, thể hiện sự tôn kính người thầy. Chả thế mà ngày Tết, người ta nhắc nhở con cháu cách hành xử: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Vậy là thầy chỉ đứng sau cha, mẹ như một thành phần trong gia tộc.

Nghề dạy học nước ta có một tấm gương thầy giáo vĩ đại là thầy Chu Văn An. Dẫu nhà vua Trần Dụ Tông không theo Thất trảm sớ - tờ trình xin nhà vua chém đầu 7 viên tham quan ô lại của thầy nhưng cũng phải kính nể tiết tháo của người, không dám xử lý khi thầy cáo quan về núi Phượng Hoàng, Chí Linh.  

Khi thầy Chu Văn An mất, triều đình còn truy phong tước hiệu Văn Trinh công và tên thụy là Khanh Tiết để ghi công và tỏ sự tôn kính nhà giáo họ Chu.

Đã 34 năm nay, ngày 20/11 hằng năm đã trở thành ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày này học sinh cũ, học sinh đang học, rồi toàn xã hội tôn vinh công lao người thầy.

Tiếc thay, truyền thống tốt đẹp đó nhiều khi bị biến tướng thành “ngày phong bì”, làm giảm đi sự tôn kính cần có và phải có đối với người thầy. Truyền thống tôn sư trọng đạo bị mai một đến nỗi ngay trong diễn đàn Quốc hội các ĐBQH phải phàn nàn về việc làm cắc cớ của chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh khi “bắt” giáo viên làm tiếp viên cho quan khách.

Mọi sự thanh minh của các chức việc trong bộ máy mà không có lời xin lỗi đều là thất lễ với các cô giáo phải theo ý muốn của “quan trên” mà muối mặt đi hầu cơm hầu rượu thiên hạ. Dịp này mà họ không có lời xin lỗi thì quả là đáng xấu hổ, đáng buồn với chính nơi đất học Hà Tĩnh.

Một chuyên gia viết rằng, vòng tròn thất nhân tâm: dùng tiền mua bằng cấp, có bằng cấp lại dùng tiền mua quyền lực, có quyền lực lại dùng nó kiếm tiền không chỉ làm băng hoại truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp mà còn hủy hoại văn hóa trọng hiền tài của cha ông.

May thay, dẫu khó khăn là vậy nhưng biết bao thầy cô giáo vẫn đang vượt qua tất cả dạy chữ, dạy đạo làm người cho hàng chục triệu học trò của mình và luôn xuất hiện những tấm gương yêu nghề thật cảm động và đáng kính trọng.

Tin rằng sự tôn kính thầy cô giáo là truyền thống quý báu của dân tộc mãi mãi sẽ được gìn giữ để tiếp sức cho nhà giáo và nghề dạy học. Tôn sư trọng đạo không chỉ là chuyện của nhà trường mà còn là đạo lý và lễ nghĩa của xã hội, là thước đo của sự phát triển bền vững của văn hóa Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôn sư trọng đạo