Tăng thuế: Dựa vào đâu?

Biên Thùy| 20/08/2017 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khó có thể tưởng tượng những tác động mà hàng chục triệu dân sẽ phải gánh chịu nếu đề xuất "gây sốc" của Bộ Tài chính trở thành hiện thực.

Ngày 15/8, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế VAT. Theo phương án 1, thuế VAT tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. 

Lý do được Bộ Tài chính đưa ra cho đề xuất của mình là số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.

Từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế GTGT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản,... 

Tăng thuế: Dựa vào đâu?

Đề xuất tăng thuế VAT lên 12% khiến người dân lo lắng

Với những lập luận trên, có lẽ Bộ Tài chính cho rằng tăng thuế như một thông lệ quốc tế! Rõ ràng không thể lấy lý do là các nước tăng thì chúng ta phải tăng. Và nếu đã so sánh với các nước EU, Trung Quốc thì tại sao không nhìn sang một số nước Đông Nam Á.  Cụ thể, thuế VAT tại nhiều quốc gia khối ASEAN chỉ dao động 7-12%. Trong đó Lào, Campuchia và Indonesia là 10%; Thái Lan, Malaysia, Singapore chỉ ở mức 7%. Brunei không đánh thuế VAT.

Một so sánh khác cũng không thể bỏ qua là vai trò của VAT ở các nước so với Việt Nam. Tôi đồ rằng, Bộ Tài chính sẽ không dám đưa ra những ví dụ như thế, bởi lẽ EU hay bất kỳ một đất nước có mức thu VAT nhỉnh hơn Việt Nam một chút thì đều có một chế độ phúc lợi cực kỳ ưu việt. Nó xứng đáng với đồng tiền thuế mà người dân bỏ ra.

Trong bối cảnh bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, đặc biệt là nguồn thu ngân sách sẽ bị co hẹp vì thuế nhập khẩu giảm dần về 0% khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, có lẽ đây là lý do chính để Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại chưa đưa ra cơ sở nào cho thấy đã tính toán việc tăng thuế là hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chưa có một báo cáo đánh giá tác động nào đến chục triệu người dân, đến hàng triệu doanh nghiệp của Bộ Tài chính khi có ý định tăng thuế. Người dân là chủ thể có quyền can thiệp và Bộ Tài chính phải khảo sát, cân nhắc ý kiến, không thể cứ phớt lờ rồi muốn tăng là đề xuất tăng.

Rõ ràng Bộ Tài chính đang chịu một sức ép về nguồn ngân sách để thu chi. Nhưng trong một thời gian ngắn, liên tiếp có những biến động và đề xuất tăng thuế khiến người dân rất sốc.

Cách đây chưa đến một tháng, chỉ sau một đêm người dân bất ngờ khi phải chi trả thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tăng gấp 4 lần. Và thật kỳ lạ, việc thuế tăng 400% mà cũng không có một đánh giá tác động, không có một thông báo trước nào, cứ lẳng lặng tăng và thu. 

Ngoài thuế đất, thuế GTGT, Bộ Tài chính cũng đang rục rịch nghiên cứu, xây dựng Luật thuế tài sản. Bộ này lập luận, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, trong đó Canada là 4%, Mỹ cao nhất là 3% và thấp nhất là 1%. Còn tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi. Còn ở Việt Nam vẫn chưa có sắc thuế tài sản riêng.

Thuế là một nguồn thu quan trọng, đóng thuế là một nghĩa vụ để góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, trước việc tăng hoặc thêm một sắc thuế nhất thiết phải khảo sát, đánh giá tác động và sức chịu đựng của người dân. Ngoài ra, thay vì tăng thuế một cách máy móc (tăng theo các nước) thì Bộ Tài chính trước hết hãy tìm ra phương án tối ưu quản lý tiền thuế của dân.

Những dự án ngàn tỷ "đắp chiếu", những đại án tham nhũng không thể thu hồi được tài sản, dùng tiền ngân sách kiểu "vung tay quá trán", "bóc ngắn cắn dài" khiến nợ công tăng cao còn niềm tin của người dân thì giảm sút.

Câu chuyện về BOT Cai Lậy, Tiền Giang là một ví dụ. Thuế, phí đang đè nặng lên người dân trong bối cảnh thu nhập còn eo hẹp, khó khăn trăm bề.

Tăng thuế lúc này chẳng khác nào câu chuyện vắt chiếc áo lên lưng con lừa đã kiệt sức vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế: Dựa vào đâu?