Quy tắc cần thiết

Bảo Dân| 21/02/2017 17:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên hoàn thành việc xây dựng và ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố.

Bản Quy tắc gồm 4 chương, 11 điều quy định khá chi tiết về ứng xử của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP. Hà Nội nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô theo các tiêu chí “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”.

Bản Quy tắc đã định hướng cho cán bộ, nhất là các cơ quan dịch vụ công các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội nhằm góp phần giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, của đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phạm vi áp dụng Quy tắc bao gồm: Các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố. Đối tượng áp dụng quy tắc là tất cả cán bộ đang làm việc trong các cơ quan thuộc TP. Hà Nội.

Quy tắc ứng xử yêu cầu các công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, quy định về thời gian làm việc, sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả. Quy tắc còn quy định rõ về trang phục công sở phải lịch sự; đầu tóc gọn gàng và đeo (cài) thẻ chức danh đầy đủ. Công chức phải có tư thế, cử chỉ nghiêm túc; thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp; sử dụng ngôn ngữ hòa nhã, không nói tục. Không làm việc riêng, gây mất trật tự trong giờ làm việc.

Lần đầu tiên bản quy tắc còn ghi rõ nhưng điều cấm công chức thực hiện trong giờ làm việc ở công sở như không hút thuốc lá tại cơ quan, phòng làm việc; không sử dụng đồ uống có cồn, không nấu nướng trong giờ làm việc. Không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc.

Về ý thức tổ chức kỷ luật, cán bộ cần tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan trong thực thi công vụ, gương mẫu về đạo đức và lối sống. Chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức, nhiệm vụ cấp trên giao. Giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương; có tinh thần cầu thị, lắng nghe, cộng tác, giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bản quy tắc còn yêu cầu cán bộ công chức phải trung thực, thẳng thắn, khách quan trong báo cáo, đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến với cấp trên, phải giải quyết yêu cầu công việc của người dân đúng quy định, quy trình. Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm, ưu tiên hỗ trợ giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người đau ốm. Không sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu; không hẹn giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc…

Quy tắc ứng xử của Hà Nội được xây dựng công phu, chi tiết và chặt chẽ, nếu được thưc hiện nghiêm túc chắc chắn sẽ giúp thành phố có một đội ngũ cán bộ công chức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư đáp ứng yêu cầu xây dựng bộ máy hành chính kiến tạo, phục vụ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng bản quy tắc quá chi tiết nhưng lại thiếu cơ chế bắt buộc thực hiện nên sẽ rất hạn chế khi đưa vào cuộc sống. Các cơ quan, đơn vị có lẽ lại phải biên tập bộ quy tắc này thành văn bản nội bộ để yêu cầu cán bộ của mình phải thực hiện. Vấn đề là thực hiện và hiệu quả, ít nhất cũng nên xử phạt tiền như quy định xử phạt đi vệ sinh không đúng chỗ, đi vào đường dành cho xe buýt nhanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy tắc cần thiết