Quả dưa, trái chuối và...con lợn

Biên Thùy| 17/02/2017 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cứ trồng thật nhiều, nuôi thật lắm, quy hoạch vô tội vạ rồi cả nước đi mời nhau ăn từng quả dưa, từng cân thịt lợn...

Đó là một thực tế ở Việt Nam xảy ra suốt nhiều năm qua, mới nhất là chuyện trái chuối ở Đồng Nai. Người dân ở hai huyện Trảng Bỏm và Thống Nhất ở tỉnh này đang tự tay chặt đi những vườn chuối, ném những trái chuối chín rục cho đàn gia súc ăn trong nỗi ấm ức vì thương lái Trung Quốc...ngoảnh mặt.

Chuối rớt giá thảm hại chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg nhưng cũng không tìm được người mua. Nó trái ngược hoàn toàn với thời điểm này năm ngoái khi mà thương lái tấp nập, container nối đuôi nhau để chở chuối đi nhập. Ngỡ tưởng năm nay trúng mùa nào ngờ chuối bán rẻ như cho, người dân thì rơi vào cảnh khốn đốn, xót hơn xát muối.

Lại một bài học đau đớn cho nông sản Việt. Một bài học mà chúng ta đã thuộc nằm lòng khi xuyên suốt bao nhiêu năm qua, năm nào người nông dân cũng dính một vố tương tự. 

Quả dưa, trái chuối và...con lợn

Những trái chuối chín rục được người dân chặt bỏ cho gia súc

Tôi còn nhớ như in hình ảnh những ruộng dưa hấu của người dân Quảng Nam bị nước lũ trái mùa nhấn chìm năm 2015. Và rồi những chiếc container xếp hàng dài vài cây số ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn. Những quả dưa hấu ruột đỏ au ném lăn lóc bên đường đến trâu bò cũng chẳng thèm gặm, còn người dân trồng ra nó thì nước mắt vắn dài.

Trong cái thảm cảnh đó, Bộ Công Thương, cơ quan giữ vai trò điều tiết thị trường đã nghĩ ra một phương thức tiêu thụ đặc biệt đúng theo tinh thần cuộc vận động "người Việt dùng hàng Việt". Bộ đã mang dưa về tận cổng trụ sở để bán cho người dân với giá chỉ vài ngàn đồng 1kg.

Mạng xã hội thời điểm ấy cũng tràn ngập hình ảnh những quả dưa hấu với những khẩu hiệu rất thú vị "Hãy ăn dưa hấu vì người dân Quảng Nam".

Có lẽ chỉ ở nước mình mới có phương thức thức tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hết sức lạ lùng, kỳ quặc và đậm đà tình thương như thế! Chúng ta trông mong gì ở cách làm ấy? Một đất nước hơn 90 triệu dân, phần lớn trong số đó là làm nông nghiệp và sản phẩm nông sản thuộc vào nhóm đa dạng, phong phú trong top đầu thế giới. Vậy mà phải động viên nhau, rưng rưng nước mắt ăn từng quả dưa. Muốn đổi mới nền nông nghiệp dĩ nhiên không thể dựa vào cái thị trường bán lẻ mang tính cứu cánh đó được.

Trong khi đó, để khẳng định mình vô can, ngành nông nghiệp đổ hết lên đầu người nông dân rằng họ chăn nuôi tự phát, không nghe khuyến cáo mới dẫn đến hậu quả như vậy. 

Đấy là quả dưa hấu của hơn một năm về trước, còn đây là câu chuyện về con lợn mới xảy ra chưa lâu. Cũng là hình ảnh xót xa, ám ảnh về những xác lợn vứt đầy đường ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn...Những con lợn không có cơ hội được xuất cảnh sang thị trường Trung Quốc bị ném xuống đường. Một số người tay dao, tay thớt kéo nhau ra giữa đường xẻ thịt chia nhau về ăn như một bộ tộc đầy hoang dã phanh thây con nai, con hoẵng.

Dịp trước và sau Tết tôi còn chứng kiến cảnh người nuôi lợn ở nông thôn tự giết mổ mang thịt đi từng nhà, ném vào bếp rồi bỏ lại một câu "Bác ăn hộ em cái chân giò, khi nào có tiền thì trả".

Rõ ràng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của chúng ta có vấn đề. Thay vì ngồi với nhau, nhìn nhận một cách nghiêm túc, cần thiết khép người dân vào quy trình sản xuất bài bản thì các ngành công thương, nông nghiệp lại tỏ ra lúng túng, thậm chí quy cái trách nhiệm ấy cho người dân.

Mới đây, tôi tình cờ đọc được một câu hỏi của người nuôi lợn ở TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai gửi cho Sở Công Thương tỉnh này nghe rất khẩn thiết, xót xa. Xin trích nguyên văn: "Cho tôi hỏi, hiện tại UBND tỉnh có chỉ đạo cấm lợn của dân nuôi xuất sang Trung Quốc không? Sao biên phòng tỉnh lại cấm? Dân chúng tôi nuôi được con lợn mà chỉ có Trung Quốc nhập lợn của Việt Nam. Vậy cấm như thế thì chúng tôi bán cho ai? Mong rằng lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện cho người dân chúng tôi được bán lợn sang Trung Quốc. Nếu không chúng tôi không biết mang đi đâu".

Sở Công Thương sau khi giải thích nguyên nhân cấm người dân xuất lợn sang Trung Quốc, kết luận: "Sở Công Thương đề nghị các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng lợn sống chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh để tránh thiệt hại về kinh tế, đồng thời kiểm soát việc lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh".

Vậy là, trăm dâu vẫn đổ đầu dân cả.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quả dưa, trái chuối và...con lợn