“Nỗi oan” xà cừ

Trung Nguyễn| 08/06/2017 08:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những ngày nắng nóng lịch sử vừa qua ở miền Bắc, câu chuyện đề xuất chặt hạ, giải tỏa 4000 cây xanh ở Hà Nội khiến cho bầu không khí như càng “nóng” hơn.

Đã có người cất công đi đo nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ dưới tán cây xà cừ đường Phạm Văn Đồng, và đưa ra kết quả so sánh thật bất ngờ: nhiệt độ ngoài trời khi đặt nhiệt kế xuống đất, chỗ không có bóng cây, lên tới gần 60 độ C. Cũng trên tuyến đường này, dưới hàng cây xà cừ hàng chục năm tuổi, nhiệt kế đo được cùng thời điểm chỉ chưa tới 40 độ C. Quả là một ví dụ sinh động về giá trị của cây xanh.

Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về việc dịch chuyển, giải toả cây xanh đường Phạm Văn Đồng, mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục khẳng định, nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải toả cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra.

“Nỗi oan” xà cừ

Những gốc cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng

Theo phương án do đơn vị tư vấn lập, sẽ dịch chuyển, giải toả và cắt tỉa cây xanh trên tuyến với tổng số 1.315 cây, trong đó giữ nguyên 142 cây, dịch chuyển 158 cây, phải giải toả, chặt hạ 1.015 cây.

Theo ông Lê Văn Dục, mở rộng đường vành đai 3 là vô cùng quan trọng và cần thiết, đồng thời khẳng định, với số cây tại đây, sẽ được dịch chuyển hoặc giữ nguyên vị trí và bất khả kháng mới chặt hạ để thi công. Sở Xây dựng khẳng định, TP. Hà Nội không có chủ trương về giải toả, thay thế 4.000 cây xanh mà một số báo chí đã nêu trong thời gian gần đây.

Nếu đúng như lời ông Giám đốc Sở nói thì quả là đáng mừng, vì dù sao thành phố vẫn chưa “nghe” theo đơn vị tư vấn. Bởi theo phương án của đơn vị tư vấn thì riêng tuyến đường Phạm Văn Đồng đã phải chặt hạ tới hơn 1.000 cây, chiếm 80% tổng số cây xanh.

Có lẽ câu chuyện chặt hạ cây xanh được dư luận quan tâm, bức xúc là do nó xuất hiện không đúng… thời điểm, vào những ngày thời tiết nóng nhất. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện mới. Vào năm 2015, câu chuyện 400 cây xà cừ bị chặt “oan” trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Hà Đông đã khiến không ít người "sốc", bởi theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông không hề đề cập tới nội dung chặt cây xanh nhưng Sở Xây dựng Hà Nội vẫn cho chặt hạ toàn bộ cây cổ thụ trên tuyến đường này.

Trước đó, tại hội thảo về cây xanh ở Hà Nội, giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng đã khẳng định, đề án xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không nói tới việc chặt hạ hàng cây xà cừ hai bên đường Nguyễn Trãi. Theo đó, hàng cây bị chặt ở đường Nguyễn Trãi, Cổ Nhuế, Bưởi là sai với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư.

Cũng có ý kiến cho rằng muốn xây dựng, phát triển thì phải đánh đổi, kể cả môi trường. Tuy nhiên, nhiều nước phát triển có tỉ lệ cây xanh đô thị cao hơn Việt Nam như Nhật Bản, Singapore và sự khác biệt là ở khâu quản lý. Không có chuyện “ông xây dựng” chặt cây mà “ông môi trường” không biết.

Ở Panama, người dân muốn cưa một cành cây lớn hoặc chặt chúng ngay trong vườn nhà riêng của mình, cũng đều phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền. Còn ở Sydney, Úc, những người chặt hạ cây trái phép ở mức độ nghiêm trọng có thể bị Tòa án Môi trường và Đất đai phạt tiền tới 1,1 triệu USD.

Quản lý như vậy, có chế tài như vậy chắc là sẽ không xảy ra những “nỗi oan xà cừ”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nỗi oan” xà cừ