Nhạc sến hay nhạc sang?

Đoàn Gia| 24/08/2017 17:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đắm đuối với bolero có phải là sự thụt lùi hay không chắc chắn không do Tùng Dương quyết định, ngược lại người nghe chọn gu âm nhạc của họ cũng chẳng phải theo ý muốn của Đàm Vĩnh Hưng.

Vậy thì các anh lên báo đả kích, miệt thị nhau làm gì? Việc của các anh là hát cho tốt cái dòng nhạc mà các anh đã theo đuổi, còn việc chọn loại nhạc nào để nghe, xin hãy để cái quyền ấy cho khán thính giả. 

Nhạc sến hay nhạc sang?

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Tùng Dương

Bolero là điệu nhạc của Mỹ Latinh du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950. Belero ở Việt Nam còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như nhạc vàng, nhạc sến, nhạc tình...Bolero có giai điệu dễ thuộc, dễ nghe và cũng dễ hiểu. Nội dung các bài hát mang giai điệu bolero thường rất đơn giản, cuộc sống, tình yêu được thể hiện qua câu hát một cách mộc mạc, dễ tạo cảm xúc cho người nghe.

Suốt 70 năm có mặt tại Việt Nam, dòng nhạc bolero có lúc thăng, lúc trầm, tuy nhiên so với các thể loại nhạc khác thì nó vẫn được nhiều thế hệ xem chuộng, yêu thích.

Từ những năm 1970 cho đến hết những năm cuối của thập niên 90, nhạc vàng (tên gọi phổ biến của dòng nhạc bolero thời bấy giờ) bị vướng một "lệnh cấm". Có lẽ không nhiều người biết đến câu chuyện của ông chủ quán cà phê Lộc Vàng ở ven hồ Tây.

Năm 1971, Nguyễn Văn Lộc và hai người thanh niên khác bị xét xử về tội nghe và truyền bá nhạc vàng. Mức án khi đó về tội danh này khá nặng, người cao nhất là 15 năm tù giam và 5 năm tước quyền công dân sau khi mãn hạn, ông Nguyễn Văn Lộc cũng lĩnh 10 năm tù và sau đó là 4 năm bị tước quyền công dân.

Ngày đầu tiên ra tù, đang đi trên phố, ông Lộc đã cuống cuồng chạy vào một quán cà phê bên đường hét vào mặt chủ quán chỉ vì radio đang phát một bài nhạc vàng. Ông nói chủ quán tắt bản nhạc đó đi nếu không muốn ngồi tù như ông. Chủ quán nhìn ông Lộc với con mắt ngạc nhiên rồi cười.

Ông không biết rằng, một thập kỷ ngồi tù, bên ngoài xã hội đã thay đổi rất nhiều. Lệnh cấm nhạc vàng ít nhiều đã được nới lỏng và nhiều người đã nghêu ngao hát một cách tự do.

Tôi không lạm bàn đến chuyện đúng hay sai vì thời nào cũng tồn tại một định kiến. Sai hay đúng hãy cứ để thời gian và lịch sử phân định. Nhưng rõ ràng ở thời điểm đó, so với những bài nhạc cách mạng hùng tráng, khí thế hào hùng thì những ca từ của các bài hát nhạc vàng quá ủy mị, sầu não, khiến con người ta yếu đuối, bi lụy. 

Kể ra câu chuyện trên tôi chỉ muốn nói "nhạc vàng" tồn tại được đến bây giờ và có một chỗ đứng nhất định trong đời sống âm nhạc Việt Nam là cả quá trình dài với rất nhiều thăng trầm.

Mấy năm trở lại đây, bolero hay nhạc vàng bỗng dưng "sống dậy" một cách mạnh mẽ, đặc biệt là khi các ca sĩ hải ngoại hát nhạc bolero ồ ạt trở về nước. Các đài truyền hình, trong đó có cả Đài truyền hình quốc gia đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng hát nhạc bolero. Một số ca sĩ đang hát nhạc thời thượng bất ngờ rẽ lối đi hát bolero. Người ta nói, đây là thời điểm cực thịnh của dòng nhạc này.

Và cũng thật dễ hiểu khi ở ngưỡng cực thịnh thì nó trở thành cái "mỏ vàng" của các ca sĩ hát bolero, thậm chí nhạc sĩ Vinh Sử người chuyên sáng tác nhạc vàng đã "thoát nghèo" nhờ vào những ca khúc của mình. Thế nên sau phát ngôn “già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi" của Tùng Dương thì nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã lên tiếng công kích.

Tôi rất bất ngờ vì nhiều nghệ sĩ nổi tiếng lại bị cuốn vào một câu chuyện lãng xẹt như thế. Xét cho cùng thì Tùng Dương, Đàm Vĩnh Hưng hay Lệ Quyên...đều chỉ là những cá nhân hát các dòng nhạc khác nhau. Phát ngôn của Tùng Dương có thể chỉ là phiến diện, những lời công kích của Đàm Vĩnh Hưng hay Lệ Quyên cũng chẳng phải một thứ tuyên ngôn nào. Và tuyệt nhiên, không ai dám đứng lên vỗ ngực tự nhận mình là đại diện cho dòng nhạc nào đó và cũng chẳng có dòng nhạc nào là đại diện cho nền âm nhạc Việt Nam.

Tôi có thể "đắm đuối" với bolero khi hoài niệm về chuyện cũ, tôi có thể nghe nhạc trẻ khi tôi đang vui. Đó dĩ nhiên là quyền lựa chọn của tôi. Ở một thời điểm khác nhau, một giai đoạn khác nhau thì sở thích của con người cũng khác nhau.

Các nghệ sĩ hãy bớt những lời công kích cá nhân, chê bai kệch cỡm ấy đi, bởi nó không làm cho thứ nhạc anh hát "sang" hơn mà chỉ khiến hình ảnh của anh xấu xí hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sến hay nhạc sang?