Lúng túng chuyện...đánh nhau

Biên Thùy| 15/07/2017 15:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một ông Tây to như hộ pháp bỗng dưng xuất hiện, nghênh ngang đi khắp trời Nam "gạ" đánh nhau với lý do là "giao lưu võ học". Và thực tế đã có hai võ sư Việt Nam phải thúc thủ.

Câu chuyện này đang là tâm điểm chú ý không chỉ của giới võ lâm và của hàng triệu người yêu võ thuật cả nước. 

Pierre Francois Flores là ai? 

Theo những thông tin ít ỏi trên báo chí, thì ông ta 41 tuổi, là người gốc Chile, nhưng đang sinh sống tại Canada. Pierre là học trò của đại sư Nam Anh, chưởng môn phái Nam Anh Vịnh Xuân tại Montreal, Canada (hay còn gọi là Vịnh Xuân Thống phái).

Pierre hiện đang sở hữu Chu sa đai đệ tứ đẳng sau gần 20 năm theo học tại môn phái Vịnh Xuân Nam Anh. Đối với đa phần người Việt thì cái tên Pierre Francois Flores hoàn toàn lạ lẫm. Còn trong làng võ thì có lẽ Pierre chẳng có tên tuổi gì cả. Thế nhưng sau khi hạ gục hai "lão võ sư" Việt Nam thì ít nhiều tên tuổi của ông ta đang nổi như cồn và được báo chí tung hô là "cao thủ Vịnh Xuân".

Lúng túng chuyện...đánh nhau

Pierre Francois Flores vào TP.Hồ Chí Minh để chuẩn bị giao đấu với võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt

Tôi là người không am tường về võ học nên không dám lạm bàn về các môn phái, về chiêu thức. Hoặc giả là có ai đó nói chuyện về võ học với tôi cũng chỉ như "đàn gảy tai trâu". Chính vì những hạn chế này nên khi xem các clip về các cuộc tỉ thí giữa Pierre Francois Flores và hai võ sư Đoàn Bảo Châu, Trần Lê Hoài Linh thì thấy chẳng khác mấy những vụ xô xát ngoài đường, thậm chí là kém phần hấp dẫn.

Trở lại căn nguyên dẫn đến hai cuộc giao đấu của Pierre. 

Pierre bắt đầu được biết đến khi thách đấu Từ Hiểu Đông, võ sĩ MMA Trung Quốc nổi tiếng sau video đánh bại võ sư Thái Cực Quyền Ngụy Lôi, trong 10 giây.

Sau đó, ông ta gửi lời giao đấu với chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo, Huỳnh Tuấn Kiệt. Mục đích của Pierre là muốn "lật mặt nạ" cái gọi là "võ công truyền điện" của chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt. Tuy nhiên thời điểm đó, Pierre bị khước từ.

Và cũng có thể là sự may mắn, sau đó Pierre Francois Flores có 2 trận giao đấu đều giành chiến thắng, tên tuổi ông ta bỗng chốc nổi đình nổi đám tại Việt Nam.

Đáng nói là trong khi Pierre Francois Flores "đánh Nam dẹp Bắc" thì cơ quan chức năng trong nước lúng túng không biết xử lý thế nào. Lãnh đạo ngành thể thao họp lên họp xuống rồi cũng chỉ khẳng định những cuộc giao đấu này vượt quá khuôn khổ cho phép. Rằng muốn "đánh nhau" như thế phải có ban bệ, có quy định chặt chẽ này kia kia nọ.

Và khi cơ quan quản lý còn đang loay hoay, khó xử thì Pierre đã âm thầm vào TP. Hồ Chí Minh để chuẩn bị đọ quyền cước với chưởng môn Nam Huỳnh Đạo.

Chúng ta phải rõ ràng, thế nào là học hỏi võ thuật? Việc gặp nhau rồi lao vào hơn thua cú đấm, cái đá có phải là giao lưu? Quyền cước vốn dĩ không có mắt. Một võ sư hơn 60 tuổi đã phải ôm mặt nằm bất động trước cú tung cước được cho là mới chỉ sử dụng nửa phần công lực của Pierre. Những cái bắt tay, những cái nhếch mép đầy ngượng ngịu ấy mà chúng ta đã cho là "tinh thần thượng võ" thì e có chút vội vã.

Có thiếu gì cách học hỏi, có thiếu gì cách truyền thụ những tinh túy của võ thuật, đâu nhất thiết phải sứt đầu mẻ trán mới hay? Mà nếu có bắt buộc phải đụng chân, đụng tay đi nữa thì sao không thượng đài một cách quang minh chính đại mà lén lút, bất chấp quy định pháp luật làm gì?

Tôi đã đọc tâm sự của người vợ vị võ sư thất thủ trước Pierre về tâm trạng của chồng mình trong đêm vắng bằng hai từ lầm lũi. Người phụ nữ ấy thực sự hoảng sợ nếu chẳng may cú tung cước đó cướp đi người chồng của mình. "Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị", ai cũng muốn võ công của mình là đệ nhất thiên hạ thì thua trận có vui vẻ được không?

Bản chất của những cuộc tỉ thí đó là tranh giành sự hơn thua, là muốn xưng hùng xưng bá, là sự khoa trương thanh thế một cách lố bịch. Chẳng lẽ, đã được cho là "cao thủ Vịnh Xuân", sở hữu Chu sa đai đệ tứ đẳng và có 20 năm luyện võ mà Pierre hay những người được gọi là võ sư không thấm câu nói: “Võ học thâm như Đông Hải – Siêu quần võ sĩ đa thi sa số hằng hà” hay sao?

Và hơn hết, trước khi những việc đáng tiếc có thể xảy ra thì những nhà quản lý hãy rời khỏi bàn họp để thực hiện cái nhiệm vụ "hiếm hoi" của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng chuyện...đánh nhau