Lấy đức thanh liêm làm của báu

Lê Xuân Chiến| 20/12/2016 07:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các nhà nghiên cứu về tham nhũng cho rằng, khi nhà nước và thể chế chính trị chưa hoàn thiện thì còn có điều kiện để tham nhũng xảy ra. Nước nào cũng có tham nhũng, tham nhũng xuất hiện từ xưa đến nay.

Lịch sử phong kiến Trung Quốc đã để lại nhiều giai thoại mang tính triết lý rất sâu sắc về liêm chính. Do mối quan hệ về lịch sử, văn hóa giữa hai nước ta và Trung Quốc, những giai thoại đó được ghi vào trong sử sách của cha ông ta và được lưu truyền đến tận ngày nay. Trên tinh thần “ôn cố tri tân”, người viết bài này xin “hâm nóng” một số câu chuyện về đức thanh liêm của người xưa và qua đó xin chia sẻ đôi điều suy ngẫm nhân bàn về vấn đề này.

Công Nghi Hưu làm tướng nước Lỗ, rất thích ăn cá. Một hôm, có người đem cá đến biếu nhưng ông lại không nhận. Người em ngạc nhiên hỏi, ông đáp: Người ta đem cá cho chắc có ý muốn cầu ta việc gì. Nếu ta nhận thì ta phải giúp việc cho người. Giúp việc cho người, lỡ trái phép nước thì đến mất quan. Mà mất quan, thì chẳng những không có cá biếu, đến cả cá mua cũng không có nữa. Không nhận cá chính là ta muốn có cá ăn hoài vậy.

 Đó chính là triết lý “ăn chắc mặc bền”. Làm quan nhận bổng lộc của vua cả đời, sao lại đi nhận quà cáp một lần để mang tiếng, mất uy tín thanh liêm, thậm chí bị giáng chức, cách chức. Vậy, hoặc vị quan kia rất thanh liêm, lại khôn ngoan, không “tham bát bỏ mâm”, hoặc pháp luật khi đó xử tội tham nhũng rất nghiêm nên không ai dám tờ hào chút của cải nào của dân. 

Sẽ có người đặt ra câu hỏi: Có phải vì quà biếu không đáng giá (con cá) nên vị quan kia không nhận, nếu là bạc vàng ngàn lượng thì liệu ông ta có nhận không ?

Xin thưa, với những người có máu tham, quan lại có thói tham nhũng thì hoặc cái gì họ cũng nhận cả, từ nhỏ đến lớn, hoặc chê quà nhỏ thì họ gợi ý, vòi vĩnh quà lớn. Và khi không vừa lòng thì họ hậm hực, sẽ không bao giờ nói được câu “không nhận cá chính là ta muốn có cá ăn hoài vậy” một cách điềm tĩnh, thản nhiên như vậy.

Nếu ai đó cho rằng lòng thanh liêm của Công Nghi Hưu (qua câu chuyện trên) là không tuyệt đối, vì còn cân nhắc lợi hại, thiệt hơn thì gương thanh liêm của Dương Chấn đời Hậu Hán thực sự đáng nể phục.

Dương Chấn tiến cử Vương Mật ra làm quan. Sau đó Dương Chấn được bổ nhiệm làm Thái thú Đông Lai. Khi đi ngang qua đất Xương Ấp là nơi Vương Mật cai trị. Nhớ ơn đề bạt ngày xưa, Vương Mật xin đến yết kiến rồi đêm khuya đem vàng đến dâng Dương Chấn. Thế nhưng Dương Chấn từ chối và nói rằng: Trước kia biết ông là người khá, tôi mới tiến cử ông. Thế mà ông vẫn chưa rõ bụng, còn đem vàng cho tôi ?

 Vương Mật cố nài ép, thưa: Xin Ngài nhận cho. Đêm khuya không ai biết.

Dương Chấn đáp: Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao gọi rằng không ai biết? 

Vương Mật nghe nói xấu hổ bưng vàng lui ra.

Tấm lòng liêm khiết của Dương Chấn sáng tỏ như mặt trời. Đời làm quan của Dương Chấn thật không hổ với đất, không thẹn với trời, ngẩng cao đầu với đời, đáng muôn đời nể phục.

Một chuyện khác, ở nước Tống, có người nhặt được hòn ngọc, đem biếu quan Tư thành là Tử Hãn để nhờ vả về sau. Tử Hãn từ chối không nhận. Người biếu ngọc thưa rằng: Ngọc này tôi đã đem cho thợ ngọc xem qua, quả là một thứ ngọc rất quý báu, mới dám đem dâng quan lớn, xin quan lớn nhận cho tôi được vui lòng.

Tử Hãn nói: Ngươi cho ngọc là của báu, ta cho “đức thanh liêm” là của báu. Ngươi đem ngọc cho ta, nếu ta nhận, thì hai bên cùng mất của báu cả. Bằng chi ngươi hãy đem về. Ai giữ lấy của báu của người ấy, như thế của báu của hai người đều còn cả, thì chẳng là hơn ư.

Triết lý thanh liêm qua các giai thoại trên là đến ngày nay vẫn chưa hề cũ. Những câu nói cách đây mấy ngàn năm ấy của Công Nghi Hưu, Dương Chấn, Tử Hãn được lưu truyền qua sử sách, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí làm cho ai đó phải “giật mình” thức tỉnh. Lòng tự trọng, trong sạch, biết nuôi dưỡng đức liêm chính là phẩm chất hàng đầu của người làm lãnh đạo.

Hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì dân. Vì vậy rất cần đội ngũ quan chức lãnh đạo thực sự bản lĩnh, biết giữ khí tiết trong sạch trước cám dỗ vật chất và quyền lực, và đặc biệt biết lấy “đức thanh liêm” là của báu, lấy lòng tự trọng làm sỹ diện như những gương thanh liêm ngày xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy đức thanh liêm làm của báu