Hội, danh xưng và hoạt động

Bảo Dân| 31/08/2017 07:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi đọc thông tin Bộ Công Thương chứ không phải Bộ Giáo dục & Đào tạo hoặc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch lên tiếng yêu cầu giải thích xung quanh vụ "giáo sư âm nhạc" Ngọc Sơn do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng.

Thì ra Hội nghệ nhân này lại là một hội nghề nghiệp thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương! Nói theo kiểu các bác cà phê sáng đầu ghế thì đây là một việc chéo cẳng ngỗng mà suy cho cùng chính là lạm phát hội.

Thật sự không ai biết chính xác hiện nay đang có bao nhiêu hội, hiệp hội, tổng hội đang tồn tại và hoạt động ra sao. Bên cạnh những tổ chức hội xã hội nghề nghiệp lớn có số hội viên đông đảo và thực sự có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội đất nước cũng như với mỗi hội viên thì cũng có rất nhiều tổ chức hội kiểu như VATA mà nếu không có sự kiện "giáo sư âm nhạc" có lẽ xã hội không biết tới sự hiện diện của nó. Điều đáng tiếc là khi biết tới lại là do liên quan tới vụ việc chẳng hay ho gì.

Thậm chí, có những hội còn gây ra những tác hại nghiêm trọng cho chính giới của mình và xã hội. Điển hình là trường hợp Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), cũng thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương, công bố kết quả khảo sát sai lệch rằng nước mắm truyền thống có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép, làm nghề sản xuất nước mắm truyền thống cả nước lao đao.

Từ vụ VINASTAS đến vụ VATA, thấy rằng các cơ quan quản lý nhà nước nên "buông" hẳn các tổ chức xã hội nghề nghiệp, để các hội thực sự là "sân chơi" của các hội viên, do các hội viên đóng góp kinh phí hoạt động. Làm thế, các hội nghề nghiệp vừa không tiêu tốn ngân sách, vừa bớt đi những việc làm tào lao, hoạt động vì lợi ích của hội viên và không có gây hại cho hội viên như trường hợp VINASTAS.

Có một thông tin chưa cũ lắm về các loại hội như sau: Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vào giữa  năm ngoái  đã công bố con số ngỡ ngàng là các tổ chức quần chúng công mỗi năm tiêu tốn từ 45.670 tỉ đồng đến 52.700 tỉ đồng, ước bằng 1,7% GDP của cả nước. Trong đó, khoản chi từ ngân sách nhà nước khoảng 14.023 tỉ đồng. Tiêu tốn số tiền lớn nhưng đóng góp của rất nhiều hội xã hội nghề nghiệp lại hoàn toàn không tương xứng, có khi làm những việc được dư luận cho là tào lao như phong tặng "giáo sư âm nhạc", phong tặng “đại sứ thiện chí”.

Mới đây báo chí lại rộ lên việc một doanh nghiệp lợi dụng một hội đứng đắn, có uy tín để lừa gạt gợi ý doanh nghiệp đóng góp tiền để nhận giải thưởng. Mức đóng góp là 30 triệu đồng cho một danh hiệu.

Thiết nghĩ, ngành Nội vụ từ trung ương đến địa phương nên tiến hành một cuộc tổng rà soát nhất là các hội “ngoài quốc doanh” từ danh xưng đến hoạt động, nhất là các hội hữu danh vô thực để dẹp tiệm cho lành xã hội!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội, danh xưng và hoạt động