“Giải cứu” chính sách

Trung Nguyễn| 04/05/2017 13:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày qua, khi câu chuyện “khủng hoảng thừa” thịt lợn đang là vấn đề thời sự thì cũng có một câu chuyện khác đáng lưu tâm là Chương trình “Cơm có thịt” cũng vận động những nhà hảo tâm tặng thịt lợn cho học trò nghèo vùng cao.

Theo thông tin từ Chương trình này thì trẻ con vùng cao vẫn rất ít được ăn thịt, tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn rất cao.

Tại cuộc họp với các Sở Công Thương vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc “giải cứu đàn lợn” tồn trong dân là việc làm cấp bách.

Các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng, nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bất chấp các cảnh báo rủi ro từ Bộ Công Thương, khiến nguồn cung thịt lợn nội địa vượt quá nhu cầu trong nước.

TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, từ tháng 11/2016 đến nay Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, đàn lợn đến lứa xuất bán dư thừa dẫn đến giá bán giảm mạnh dưới giá thành, người chăn nuôi thua lỗ, vì vậy khó khăn của ngành chăn nuôi có ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng ngành nông nghiệp nói riêng và đến toàn bộ nền kinh tế nói chung.

“Giải cứu” chính sách

Việc “giải cứu đàn lợn” hiện nay cũng chỉ là giải pháp tình thế nếu như không có chiến lược lâu dài, nếu không có sự “giải cứu” về mặt chính sách

Vấn đề quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Như nhiều mặt hàng nông sản khác, mặt hàng lợn thịt được chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương. Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.

Tuy nhiên, có một điều nghịch lý là tại các siêu thị, giá thịt lợn vẫn cao gấp 3-4 lần giá thịt lợn hơi. Tại TP. HCM, giá bán thịt lợn trong Chương trình bình ổn thị trường đã được điều chỉnh, giá áp dụng từ 27/4/2017 dao động từ 63.000-77.500 đồng/kg. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp kiểm soát và bảo đảm sự phân bổ hợp lý lợi nhuận giữa các khâu: Sản xuất - phân phối - tiêu thụ sản phẩm lợn thịt; bảo đảm lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.

Về giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất chung của toàn ngành nông lâm thủy sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trước mắt cần lập lại cân bằng cung-cầu đối với sản phẩm thịt lợn, giảm cung và tăng cầu trong thời gian ngắn nhất để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ thịt lợn.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát việc tăng đàn lợn tại địa phương; đồng thời, kiểm soát tình trạng giảm đàn diễn ra trên diện rộng, với quy mô lớn có thể sẽ gây thiếu hụt cung ở chu kỳ tiếp theo; Đồng thời, kích thích tiêu thụ sản phẩm trong nước bằng cách hỗ trợ giá cho người sản xuất hoặc người mua, đặc biệt người mua là người tiêu dùng với số lượng lớn hoặc các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ thịt lợn.

Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, chúng ta cũng cần xác định nhu cầu sử dụng thịt lợn hơi cho sử dụng trong nước và xuất khẩu để có kế hoạch và kiểm soát hoạt động chăn nuôi lợn. Việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà bỏ qua thị trường trong nước với 90 triệu dân là một trong những nguyên nhân khiến nông sản nói chung và thịt lợn nói riêng thường rơi vào tình trạng phải “giải cứu”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc “giải cứu đàn lợn” hiện nay cũng chỉ là giải pháp tình thế nếu như không có chiến lược lâu dài, nếu không có sự “giải cứu” về mặt chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Giải cứu” chính sách