Đâu mà lắm nhân tài đến thế!

Bảo Dân| 14/10/2016 09:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một sinh viên thủ khoa, một thạc sĩ mới tốt nghiệp, tiến sĩ vừa bảo vệ Luận án đều nằm trong diện được địa phương trải thảm đỏ với ưu ái lương bổng, nhà cửa là những thông tin thường xuyên xuất hiện trên báo chí.

Dẫu là thời buổi “người khôn việc khó” nhưng không thấy ứng viên xếp hàng rồng rắn nộp hồ sơ dự tuyển như xin vào Cục Thuế Hà Nội năm nọ. Thảm đã trải nhưng vẫn thiếu vắng những “nhân tài”- nguyên khí thời @ quan tâm đăng ký. 

Có nơi không chịu “ăn sẵn” mà đi trước đón đầu, cử người của mình đi học sau đại học trên đại học cho nhu cầu của tỉnh.

Đà Nẵng rất có thể là nơi đi tiên phong trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài. Sau 10 năm thực hiện, Thành phố Đã Nẵng vừa tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả Chương trình thu hút và đào tạo nguồn nhân lực. Những nội dung bàn thảo cho thấy đây là một chương trình tốn kém nhưng  thể hiện  tham vọng của lãnh đạo Đà Nẵng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiêp phát triển kinh tế xã hội của thành phố đầu tầu kinh tế miền Trung.

Đâu mà lắm nhân tài đến thế!

Sau 10 năm thực hiện, Đà Nẵng cũng đạt được  một số kết quả nhưng cũng bộc lộ rất nhiều bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực được nâng tầm thành nhân tài. Người dân Đà Nẵng đôi khi cũng phân tâm khi điểm qua các báo thì thấy khá nhiều thông tin xung quanh việc  đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực lại được gọi nhầm là nhân tài này.

Chẳng hạn các thông tin như: Nhiều nhân tài Đà Nẵng chờ nhảy việc; Nhân tài phá cam kết, Đà Nẵng sẽ kiện và thu tiền về; Đà Nẵng: 7 nhân tài thua kiện kháng cáo; Đà Nẵng tính “chuyển nhượng” nhân tài cho tư nhân; Đà Nẵng lên ý tưởng đấu giá nhân tài... Và thực tế đã có “nhân tài” thua kiện phải bồi thường kinh phí đào tạo.

Hóa ra, sự ngộ nhận trong duy danh định nghĩa về nguồn nhân lực chất lượng cao thành nhân tài đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng xử lý các cán bộ vi phạm cam kết phục vụ địa phương sau khi được ưu ái đào tạo. Một cử nhân, một thạc sĩ, thậm chí một tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài về nhận công tác ở nơi đã nuôi mình ăn học là chuyện bình thường. Nghĩa vụ và đạo lý đòi hỏi họ phải thực hiện đúng cam kết. Việc kiện ra tòa các trường hợp bội ước, bội tín là cần thiết.

Một thông tin khác đáng quan tâm là có đến 70% hoặc 80% học viên “nhân tài” không được bố trí công tác đúng chuyên môn. Do đó, mới có tình trạng như báo chí đã nêu là các em vi phạm hợp đồng, các em chờ nhảy việc hoặc một số các em tìm cách bỏ trốn ở nước ngoài. Và thành phố lại bận rộn với việc kiện các em ra tòa để truy thu tiền học phí. Hẳn vì vậy mới có đề xuất “chuyển nhượng” nhân tài cho khu vực kinh tế tư nhân để các em có điều kiện phát huy tài năng và thành phố có thể thu hồi kinh phí đào tạo.

Đã đến lúc đề nghị các tỉnh không nên duy trì chương trình đào tạo nhân lực, nhân tài ở nước ngoài tốn kém nhiều, hiệu quả ít. Đặc biệt chớ có cho lãnh đạo đi học tiến sĩ từ xa, tiến sĩ liên kết bởi toàn bằng dởm tốn tiền đóng thuế của dân.

Xin đừng hiểu sai về nhân tài nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đâu mà lắm nhân tài đến thế!