Tỷ lệ phải “lót tay” mới xin được việc làm trong khu vực công đã tăng từ 46% của năm 2011, lên 54% vào năm 2016. Số liệu này dẫn theo công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).

Khảo sát PAPI 2016 được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11/2016, với hơn 14.000 người dân từ tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước, được phỏng vấn ngẫu nhiên về trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp.

Báo cáo PAPI cho hay, chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công năm 2016 có xu hướng giảm điểm. Tỉ lệ người dân cho biết họ phải chi “lót tay” công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng lên trong năm qua.

Ngoài ra, tình trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến, trong khi quyết tâm của người dân tố cáo tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ nhà nước được coi là “ổn định” bởi chỉ có khoảng 3% người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác.

Thực trạng về mức độ “chịu đựng” sự vòi vĩnh của người dân tiếp tục gia tăng. Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác nếu số tiền chưa đến 25,6 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của khảo sát năm 2015 (23,7 triệu đồng).

Con số biết nói

Buổi công bố Báo cáo chỉ số PAPI.

Kết quả khảo sát trên phạm vi toàn quốc phản ánh, hiện trạng chọn người nhà khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng, đồng nghĩa với việc mục tiêu “công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” được đánh giá là bất khả thi.

Báo cáo PAPI đưa ra khuyến nghị, các cấp chính quyền cần ngăn chặn cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi. Nhận xét về kết quả khảo sát PAPI 2016, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng đây là một bức tranh đa chiều. Một mặt, cung ứng dịch vụ công được cải thiện bền vững trong suốt sáu năm qua.

Mặt khác, hầu hết các tỉnh thành lẽ ra có thể làm tốt hơn để cải thiện năng lực và thái độ của công chức, viên chức; tăng tính minh bạch, khả năng phản hồi và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Theo báo cáo, các tỉnh, trong số 16 tỉnh, thành đạt điểm cao nhất có 8 địa phương gồm Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên và Ninh Binh. 5 địa phương Duyên hải miền Trung gồm Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị và Bình Định và 3 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, Bến Tre và Đồng Tháp.

Đáng lưu ý là các tỉnh Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Đà Nẵng vẫn duy trì vị trí của mình trong nhóm đạt điểm cao nhất qua sáu năm liên tiếp, từ 2011 đến 2016.

Các tỉnh trong nhóm điểm thấp là Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lai Châu, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và Kiên Giang.     

Với thành phần xây dựng báo cáo gồm Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức thực hiện cho thấy sự tin cậy cao của xã hội và dư luận.

Đã không có những phản ứng thái quá của các tỉnh “đội sổ” hoặc xuống hạng, thật đáng mừng.

Không biết người đứng đầu các tỉnh có thứ hạng thấp sẽ nghĩ gì, làm gì để cải thiện PAPI?

Nên chăng, nếu liền 3 năm có thứ hạng “thấp ổn định” thì không nên ổn định vị trí và chức vụ của các vị này. Ở một khía cạnh, PAPI cũng chính là kênh đánh giá năng lực lãnh đạo của chính quyền cấp tỉnh!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con số biết nói