Con cháu chúng ta giỏi thật!

Bảo Dân| 28/12/2016 08:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả của các nước tham gia PISA 2015. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.

Đây quả thực là tin vui cho bất cứ ai quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”, bởi lẽ không chỉ khi đi thi quốc tế học sinh Việt Nam được giải cao mà ngay trong giáo dục phổ cập đại trà cũng được OECD đánh giá là khả quan, thậm chí cao hơn nhiều quốc gia khác.

Năm 2015, chu kỳ PISA 2015, trọng tâm được đánh giá là lĩnh vực Khoa học cho thấy: Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đứng thứ 8 (Top 10); Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đứng thứ 22; Lĩnh vực Đọc hiểu là 32...

Năm 2012, lần đầu tiên nước ta tham gia PISA do OECD thực hiện. Kết quả là các cháu học sinh 15 tuổi của Việt Nam đã đạt hạng 17 về Toán học, hạng 8 về Khoa học và hạng 17 về Đọc hiểu trong số 65 nước/vùng lãnh thổ tham gia. 

Với một kỳ thi mang tính quốc tế lại yêu cầu kỹ thuật cao và nghiêm ngặt như PISA, kết quả PISA lần này là rất đáng mừng bởi độ tin cậy cao. Đây là kênh thông tin rất hữu ích cho việc đưa ra các chính sách giáo dục phổ thông. Theo các chuyên gia, kết quả PISA ở đây không phải là điểm số và thứ hạng mà là một báo cáo tổng thể hoặc báo cáo riêng cho từng quốc gia.

Lần khảo sát năm 2015 này, Việt Nam giữ nguyên thứ hạng về khoa học, Toán học giảm 5 bậc, Đọc hiểu giảm 15 bậc. Vấn đề ở đây không phải là tăng hạng hay xuống hạng mà là chúng ta thấy được gì từ những kết quả phân tích sau đó. Qua kết quả PISA 2015 này cho thấy học sinh Việt Nam học giỏi khiến Việt Nam được coi là ngoại lệ lớn nhất của giáo dục thế giới. Nhìn vào thành tích học tập và kết quả các kỳ thi học sinh giỏi thế giới của học sinh Việt Nam thì nhiều nước phát triển cũng phải ngưỡng mộ.

Cũng có ý kiến cho rằng việc đánh giá ba môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu, thì rõ ràng PISA không đánh giá hết năng lực của học sinh. Một chuyên gia giáo dục cho rằng khó có cuộc thi nào đánh giá được toàn diện các năng lực của học trò. Tuy nhiên  PISA chỉ khảo sát trên 3 môn căn bản Toán học, Khoa học và Đọc hiểu là những kiến thức rất phổ thông mà học sinh có thể ứng dụng vào cuộc sống.

Ngoài ra, PISA có khảo sát kiến thức về giải quyết vấn đề và hiểu biết tài chính. Thế nhưng Việt Nam không khảo sát hai lĩnh vực này.

Như vậy, PISA không phải là bảng tổng xếp thứ hạng giáo dục các quốc gia trên thế giới mà cuộc khảo sát này chỉ ra các hệ thống giáo dục phổ thông trang bị kiến thức và kỹ năng cho học sinh ở độ tuổi 15 hiệu quả ở mức nào để học sinh ra trường có thể đi làm hoặc học tiếp lên.

Theo một  báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cách đây không lâu, năng suất lao động của người Việt Nam thấp hơn Mỹ khoảng 20 lần. Vậy điều gì bất hợp lý ở đây khi học sinh ta học giỏi hơn họ mà năng suất làm việc lại kém họ đến 20 lần? Câu trả lời của các chuyên gia cho thấy năng suất lao động không đồng nhất với kết quả học tập ở trường phổ thông. Năng suất lao dộng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ, thiết bị, điều kiện làm việc và kỹ năng của người lao động chứ không phải hoàn toàn giỏi thì mới có năng suất lao động cao. Thần đồng Ngô Bảo Châu giỏi toán thế nhưng chắc gì đã viết được phần mềm nhanh, tốt như một cử nhân toán tin Viêt Nam?!

Vì vậy ngành giáo dục cần tuyên truyền để mọi người thấy rõ mục đích của việc tham gia PISA, quy trình thực hiện khảo sát, kết quả sau khảo sát... và có những vấn đề gì cần phải thay đổi dựa trên dữ liệu kết quả đó. Khi tất cả được công khai thì sẽ làm tăng thêm niềm tin vào khả năng học tập của con em chúng ta. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể tự hào mà thừa nhận rằng con em chúng ta giỏi thật. Nếu không phát huy được sự giỏi giang này vào cuộc sống là lỗi của người lớn và ngành giáo dục!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con cháu chúng ta giỏi thật!