Câu chuyện giải cứu

Bảo Dân| 13/06/2017 06:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước khi nghỉ hè, các nhà giáo ngỡ ngàng tiếp nhận thông tin về một đề xuất lạ: Mỗi học trò đóng góp 100.000 đồng/tháng để giải cứu giáo viên lương thấp. Thoạt nghe thì cũng có thiện chí trong ý kiến này nhưng suy ngẫm kỹ thấy hoàn toàn bất lợi.

Thứ nhất đây sẽ là gánh nặng với phụ huynh học sinh và trái với Luật Giáo dục và vô vàn các quy định hiện hành. Thứ hai, đề xuất này gây bức xúc cho các nhà giáo.

Họ bảo sẽ không cần, không nhận khoản tài chính hỗ trợ này. Có nhà giáo phàn nàn, chúng tôi có phải là… lợn đâu mà phải giải cứu. Giải cứu thành vấn đề nhạy cảm.

Gần đây, người dân đã quen dần với công việc giải cứu. Khi thì khẩn cấp giải cứu đồng bào ta mắc kẹt trong vùng chiến sự ở nước ngoài. Lúc khác là giải cứu nông sản thừa và rớt giá. Quy mô giải cứu có thể chỉ ở một vùng, một liên vùng, một tỉnh và cao nhất là chiến dịch quốc gia.

Còn nhớ đầu năm 2011, Chính phủ thành lập 5 tổ công tác liên ngành của nước ta để sang ngay Hy Lạp, Malta, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia để đón hơn 10 ngàn lao động ở Libya  hồi hương. Người ta còn nói nhiều về những ông chủ bà chủ là người bản địa không đem người giúp việc bỏ chợ để chạy tháo thân, tìm cách để lo bảo đảm an toàn cho lao động Việt Nam. 

Sau một tuần xảy ra loạn lạc, hơn 10 ngàn lao động Việt Nam đã đến được các trại tị nạn bên kia lãnh thổ Libya. Các tổ công tác của Chính phủ ta phối hợp với các tổ chức nhân đạo quốc tế, giới chủ sử dụng lao động tìm cách tiếp tế mỳ ống, nước uống cho bà con mình chờ cầu hàng không của ta đưa về Tổ quốc.

Chỉ trong vòng 3 ngày, các tổ công tác liên ngành giải cứu của ta đã tổ chức đưa được hơn 10 ngàn lao động ở về nước bằng đường hàng không và tàu thủy, đó thực sự là cả thành công của chiến dịch tình thương và trách nhiệm.

Ngỡ tưởng chúng ta chỉ giải cứu đồng bào đang mưu sinh ở nơi đất khách quê người bỗng nổi can qua, binh đao, khói lửa. Nào ngờ hai từ giải cứu lại được sử dụng để giúp bà con nông dân tiêu thụ gấp gáp một số loại nông sản thực phẩm khủng hoảng dư thừa rớt giá khủng khiếp. Bắt đầu là những cuộc giải cứu nhỏ, theo sáng kiến của cộng đồng dân cư thương bà con nông dân hai sương một nắng lỡ trồng hành tím, khoai tím… Và đến năm con gà này thì công cuộc giải cứu nông sản đã vượt qua tầm của các bạn trẻ cứu dưa hấu khi cả triệu con lợn thịt trong chuồng bị thương lái Trung Quốc “xù” không mua như hứa hẹn. Cuộc giải cứu với quy mô ngành cũng đã thu được một số kết quả khả quan khiến cấp vĩ mô phải tính đến việc quy hoạch lại đàn lợn và xúc tiến đàm phán xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.

Câu phương ngôn các cụ dạy chớ “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào” vẫn hoàn toàn có lý khi nhắc nhủ chính bà con ta không nên trồng cây gì, nuôi con gì một cách tự phát, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Trong chuyện này, cơ quan khuyến nông các cấp phải rút kinh nghiệm sâu sắc để xắn tay áo vào cuộc vận động thuyết phục bà con nông dân như người thân của mình rằng đừng có nuôi trồng bất cứ con gì cây gì theo “phong trào”. Thảm cảnh “được mùa rớt giá”, mong sao đừng diễn ra để khỏi có cảnh giải cứu khẩn thiết mà kết quả được có bao lăm.

Câu chuyện giải cứu cho một bộ phận nông dân nông thôn và nông nghiệp sẽ còn xảy ra nếu ngành nông nghiệp không vào cuộc ngay lập tức để tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn bà con làm ăn thật căn cơ bền vững.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện giải cứu