Cao thấp lương hưu

Bảo Dân| 09/11/2017 08:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với cách tính lương hưu hiện nay đang bộc lộ quá nhiều bất hợp lý kể cả bất công khi người ăn không hết kẻ lần không ra.

Chuyện nhỡn tiền là có cô giáo mầm non nông thôn lương hưu có chiếu cố mới được 1,3 triệu/ tháng trong khi có những cựu giám đốc liên doanh lương hưu 65 triệu, 80 triệu và có người trên 100 triệu đồng một tháng.

Suy cho cùng, lương hưu cao vì lương đương chức cao. Không hiếm các lãnh đạo tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hưởng lương theo quy định và được phê duyệt lên tới  60- 80- 100 triệu đồng mỗi tháng. Và cũng là cô mẫu giáo, trường nông thôn được 2-3 triệu nhưng trường thành phố 7-8 triệu.

Mới đây, người ta xây dựng lại mức lương hưu nhưng mức lương người lao động được hưởng khi về hưu năm 2018 lại thấp hơn so với những người về hưu năm 2017 theo kiểu “phú quý thụt lùi”. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề nghị lùi thời điểm áp dụng lương hưu mới.

Đề xuất này đảm bảo được nguyên tắc: Không để lao động, nhất là phụ nữ thiệt thòi, thực hiện có lộ trình, đảm bảo có đóng BHXH có hưởng, tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định và phát triển bền vững, không tạo ra những bức xúc trong xã hội.

Thì ra cách tính lương hưu mới tại khoản 2, Điều 56, Luật BHXH, nữ 55 tuổi nghỉ hưu từ 2018 phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%, trong khi trước 2018 chỉ cần đủ 25 năm.

Lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đóng đủ 30 năm BHXH).

Với cách tính này, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017.

Như vậy, cả nước sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu từ 2018, trong đó có khoảng 50.000 người là lao động nữ. Theo cách tính trên thì nam thiệt ít hơn vì nam có lộ trình 5 năm, còn nữ thì tính ngay. Vấn đề này cũng cần phải xem lại về mặt luật pháp, tức là quy định về bình đẳng giới đã không được thực hiện.

Bởi cùng là lao động, có thời gian cống hiến, đóng bảo hiểm và nghỉ hưu theo quy định, tại sao nam giới thì có lộ trình 5 năm mà nữ giới lại không? 50.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ có khoảng 21.000 người bị thiệt, trong đó khoảng 4.000 người bị thiệt nhiều nhất, khoảng từ 5-10% lương hưu.

Hiện nay cả nước đang có 3.228 người hưởng lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng và nhóm hưởng lương hưu thấp hơn lương cơ sở không phải chỉ có giáo viên mầm non. Đó là đối tượng cán bộ phường, xã, thị trấn không chuyên trách, họ có mức đóng BHXH chỉ trên mức lương cơ sở và nếu thời gian đóng BHXH chỉ 20 năm, tỉ lệ hưởng của họ là 55%.

Trong thời gian tới, khi áp dụng chính sách BHXH mới thì tỉ lệ lương hưu của họ cũng chỉ dao động từ 55%-60% nên chắc chắn là mức hưởng lương hưu của họ cũng sẽ rất thấp.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam  thừa nhận rằng: "Cô giáo làm việc 37 năm, đến khi nghỉ hưu chỉ được nhận lương 1,3 triệu/tháng quả là bất công và không ai bằng lòng". BHXH cũng mong đây là dịp để các cơ quan, ban ngành cần nhìn thẳng vấn đề về đóng - hưởng BHXH, từ đó có thể ban hành chính sách đảm bảo mức sống cho người lao động khi về hưu. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao thấp lương hưu