Cẩn trọng: Tinh giản nhầm!

Bảo Dân| 02/03/2016 09:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ NSNN của các cơ quan hành chính và các hội có tính chất đặc thù hoạt động trên phạm vi cả nước năm 2016 là 272.916 biên chế, giảm 4.139 biên chế so với năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trong năm 2016 sẽ tinh giản 4.139 cán bộ công chức. Nhìn lại năm 2015, theo Bộ Nội vụ, đã tinh giản được 5.300 người, trong đó có 4.500 người được hưởng chính sách về hưu trước tuổi, trên 800 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 10 người chuyển sang cơ quan không hưởng lương ngân sách…

Sẽ không có gì đáng bàn nếu không có tới 4.500 người về hưu trước tuổi, đặt ra mối lo về nhân lực trong bộ máy công quyền. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phân tích kỹ “trích ngang” của những người về hưu non xem trong số 4.500 người này có bao nhiêu người nghỉ việc để ra làm ở các cơ sở ngoài quốc doanh hoặc phi chính phủ với thu nhập cao gấp nhiều lần khi đương chức. Bài toán lợi ích mà những người này thực hiện có lời giải “đúp”, vừa được hưởng ưu đãi tinh giản biên chế vừa có cơ hội ra làm ngoài ngon lành.

Theo quy định của Chính phủ, nếu nghỉ hưu trước 1-7-2015 thì mức lương hưu được tính bình quân của 5 năm cuối cùng. Nhưng nếu nghỉ sau ngày 1-7-2015 thì sẽ tính theo bình quân 10 năm cuối cùng, nghĩa là lương hưu sẽ mất đi vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Vậy nên không ít người gần đến tuổi, sát tuổi đã xin nghỉ hưu ngay trong 6 tháng đầu năm 2015. Đó là nghỉ “chạy luật”?! Trong số này có nhiều người còn sức khỏe, có trình độ chuyên môn cao cũng “tích cực” xin nghỉ. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc các cán bộ công chức giỏi xin nghỉ hưu sớm sẽ gây hẫng hụt trong bộ máy khi những người trẻ lại thuộc diện cắp ô không đảm nhiệm được. Một chuyên gia tổ chức cán bộ “bỏ nhỏ” vào tai chúng tôi rằng, đây cũng là cơ hội vàng cho những kẻ muốn bán chức, bán quyền. Ai mà biết được một suất biên chế sẽ là bao nhiêu? Ở một huyện ngoại thành Hà Nội, một suất biên chế cán bộ y tế xã đã là 100 triệu cho trưởng phòng nội vụ, thông tin này do báo chí phát hiện đã minh chứng cho cảnh báo của Công dân Ưu tú Thủ đô Trần Trọng Dực là có cơ sở.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính và các hội có tính chất đặc thù hoạt động trên phạm vi cả nước năm 2016 là 272.916 biên chế, giảm 4.139 biên chế so với năm 2015.

Vậy là mục tiêu cụ thể, lộ trình cũng đã có, nhưng phải thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao, cũng như để tránh “vết xe đổ” cũ thì không phải là việc đơn giản. Hiện nay cơ chế, chính sách, thẩm quyền được giao cho người đứng đầu nhưng đâu đó vẫn có tình trạng nể nang, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu khách quan, công tâm khi thực hiện việc đánh giá, phân loại. Cái khó nữa dễ thấy trong công tác tinh giản biên chế hiện nay là việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Ai sẽ phải ra đi, không phải là công việc dễ dàng. Hiện nay, việc đánh giá cuối năm của các cán bộ, công chức, viên chức cứ na ná nhau. Kết quả đánh giá, phân loại cuối năm, tỉ lệ cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ tốt chiếm trên 99%, chưa hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 0,6% phản ánh không đúng với chất lượng công tác rất khó cho việc xem xét tinh giản những người không làm được việc. Mặt khác, cũng cần xem xét số cán bộ, công chức, viên chức phải cắt giảm sẽ đi đâu, làm gì liên quan đến đời sống của một con người và của cả gia đình họ.

Giảm 4.139 biên chế trong năm 2016 là việc khó khăn đối với người đứng đầu nhưng khó mấy cũng phải làm bằng được. Vấn đề là cần cẩn trọng kẻo người kém ở lại, người giỏi ra đi!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng: Tinh giản nhầm!