“Cà phê doanh nhân” và “chiếc tù và hàng tổng”

Trung Nguyễn| 18/05/2017 14:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào trung tuần tháng 3, hàng trăm doanh nhân và quan khách có mặt tại Đại hội Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang lần thứ nhất có phần bất ngờ khi nghe một tiếng tù và cất lên.

Đó là khi Chủ tịch Hiệp hội, ông Nguyễn Hữu Thập vừa nhận món quà đặc biệt từ tay Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ lý do chọn chiếc tù và làm quà tặng mừng Hiệp hội doanh nghiệp Tuyên Quang được khai sinh, đó là hàm ý về trách nhiệm "thổi tù và hàng tổng" của những người làm trong hiệp hội - nghĩa là không nhận lợi lộc gì cho cá nhân mình, mà chỉ phục vụ "hàng tổng" là giới doanh nghiệp, phải nói lên tiếng nói của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Tại đây, ông Lộc cũng nói tới việc hình thành chuỗi “cà phê doanh nhân”. Theo đó, VCCI đang phát động mỗi hiệp hội đều có cà phê doanh nhân và bí thư, chủ tịch tỉnh sẽ là khách hàng thường xuyên. Chủ tịch VCCI cho biết thêm là VCCI cũng sẽ mở cà phê doanh nhân và dự kiến ngày 19/5 sẽ tổ chức cà phê doanh nhân cả nước, sẽ mời Thủ tướng và nhiều quan chức bộ ngành đến đây để gặp gỡ, trao đổi thông tin.

Mô hình “cà phê doanh nhân” hiện đã được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành. Tại Quảng Ngãi, những người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước gặp doanh nghiệp một ngày trong tháng nhằm lắng nghe tâm tư của họ để tìm biện pháp khắc phục, giải quyết hợp lý. "Cà phê doanh nhân" đi vào hoạt động giúp chính quyền gần gũi, gỡ rối và để doanh nghiệp có cơ hội phản biện chính sách.

Trước đó, tại miền Tây cũng đã có hai địa phương triển khai mô hình "cà phê doanh nhân - doanh nghiệp" là Đồng Tháp và An Giang. Tại Đồng Tháp, hàng sáng, người đứng đầu cùng các phó chủ tịch tỉnh thay nhau tới uống cà phê. Nhiều vấn đề doanh nghiệp vướng mắc được giải quyết tại đây. Tại An Giang, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành liên quan phải ngồi cà phê vào sáng thứ Sáu hàng tuần với doanh nhân. Còn tại TP. HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố tổ chức định kỳ 2 tuần một lần, kể từ tháng 8/ 2016 đến nay đã qua 10 lần “cà phê với doanh nhân”.

Mô hình “cà phê doanh nhân” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất ủng hộ. Thủ tướng cũng đã hai lần đề nghị các tỉnh, thành nhân rộng mô hình này và dành thời gian gặp doanh nghiệp tại địa phương uống cà phê, tiếp nhận ý kiến đóng góp.

Trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP (về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) của VCCI cho thấy, sau khi Nghị quyết được ban hành, các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc. Các cuộc đối thoại, rà soát những cản trở kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đã được tổ chức. Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp được đa số các địa phương quan tâm. Đặc biệt, mô hình “cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp trong đối thoại và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…

Từ câu chuyện “cà phê doanh nhân” và chiếc “tù và hàng tổng” cho thấy, việc thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghị quyết 35/NQ-CP là một tiến bộ quan trọng, đáng ghi nhận. Đó cũng chính là việc cụ thể hóa phương châm “phục vụ, kiến tạo và hành động” mà Chính phủ đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cà phê doanh nhân” và “chiếc tù và hàng tổng”