Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nhận xét về tình trạng tham nhũng rằng, “đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố.

Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.

“Ăn không từ” xem ra còn dưới hạng so với “ăn kinh lắm” của cán bộ Hải quan TP.HCM trong một vụ việc vừa bị phanh phui gây phẫn nộ trong dư luận. Hiện tượng này đủ để minh họa cho khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với  lĩnh vực hải quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện. Thì ra có 28% số doanh nghiệp phải trả thêm chi phí không chính thức cho Hải quan. 53,35% số doanh nghiệp cho biết đã phải trả chung chi cho cán bộ Hải quan TP.HCM. 

Chuyện doanh nghiệp phải chung chi bôi trơn cán bộ Hải quan đã thành chuyện thường ngày ở cảng đến nỗi bất cứ quan chức tài chính, hải quan và doanh nghiêp cũng biết.  Nói đi cũng phải nói lại, tổ chức Đảng trong ngành Hải quan đã có cuộc vận động 100% cán bộ, đảng viên cam kết nói không với tham nhũng. Thế nhưng xem ra việc này vẫn chỉ là hình thức. Bởi vì vẫn có 35% doanh nghiệp được khảo sát vì không muốn mất lòng cán bộ Hải quan nên đã từ chối trả lời về việc chi phí cho công chức hải quan ngoài quy định.

Theo khảo sát này, nhóm thủ tục hải quan gây phiền hà bị ca thán nhất bao gồm: giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. Đây là mảnh đất màu mỡ để kiếm chác của các cán bộ Hải quan “ăn kinh lắm”. Bởi lẽ các vận đơn sẽ bị kéo dài thời gian làm thủ tục với các yêu cầu cắc cớ về giải trình và bổ sung các chứng từ không theo quy định nếu không chung chi cho cán bộ Hải quan. Con tin là những lô hàng trong tay cán bộ Hải quan.

 Việc bắt giữ Nguyễn Tường Duy nhân viên hải quan TP.HCM mới đây đã lộ diện kẻ “ăn kinh lắm”. Duy bị bắt khi vẫn có một bịch nylon chứa 60 phong bì. Kiểm đếm sơ bộ có khoảng 1 tỷ đồng. Như thế nghĩa là khoản tiền “hỗ trợ” của doanh nghiệp cho chuyến du hí bồ bịch này dù đã chi vô tư mà vẫn lãi to. Đây là số phong bì trong 5 ngày.

Đến nay các quy định về hải quan khá tiến bộ, minh bạch làm doanh nghiệp đã hài lòng hơn. Tuy nhiên phép nước thua “luật Duy” bởi anh nhân viên này đã đặt ra luật riêng buộc các doanh nghiệp phải "ngậm đắng nuốt cay" thực hiện. Một containner hàng hóa không có vấn đề cũng phải chung chi 2 triệu đồng, còn có vấn đề phải 15 triệu đồng mới được thông quan. Bước đầu cơ quan an ninh xác định, ông Duy đã ép buộc hơn 200 lượt doanh nghiệp cống nạp.

Và, dư luận đặt câu hỏi vì sao Nguyễn Tường Duy đã bị đuổi việc ở Cục Hải quan An Giang mà vẫn được tiếp nhận vào Cục Hải quan TP.HCM? Không lẽ Cục Hải quan TP.HCM thiếu cán bộ đến nỗi vơ bèo gạt tép nhận cả nhân viên thải loại. Đã đến lúc cần làm rõ công tác cán bộ liên quan đến các trường hợp này khi gia đình Nguyễn Tường Duy có 5 người mặc sắc phục hải quan thì 3 đã nhúng chàm, bị kỷ luật và thụ án.

Chắc rằng Nguyễn Tường Duy không dám lộng hành, tự ý khiến 200 doanh nghiệp phải chung chi. Ai thuộc nhóm lợi ích Duy - Hải quan? Phá vỡ mắt xích yếu nhất  sẽ mở đường cho việc lôi ra và gom những nhân viên Hải quan còn ẩn nấp kỹ “trong đống rơm” ra ánh sáng.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai ăn kinh lắm?