Hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong Bộ luật Dân sự 2015

Tòa án - Ngày đăng : 08:00, 23/08/2016

Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 với nhiều chế định mới quan trọng, một trong những điểm mới đáng chú ý chính là quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bảo đảm được quy định tại Điều 297 của Bộ luật này.

Biện pháp bảo đảm bảo phát sinh hiệu lực đối kháng

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba được quy định tại Điều 297 BLDS 2015 có nội dung: “Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm; khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm quy định tại BLDS 2015 và luật khác có liên quan”.

Thực tế, đây không phải là một quy định hoàn toàn mới của BLDS 2015, mà chỉ mới về khái niệm. Nội dung, bản chất của vấn đề này đã được quy định tại khoản 3 Điều 323 BLDS 2005: “Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký” và tại khoản 1 Điều 11 nghị định 163/2006/NĐ-CP: “Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Thời điểm đăng ký được xác định theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm”. Như vậy, trước khi BLDS 2015 có hiệu lực thì “hiệu lực đối kháng với người thứ ba” được hiểu đồng nghĩa với “giá trị pháp lý đối với người thứ ba”.

Mặc dù BLDS 2015 không hề có điều khoản quy định về khái niệm hiệu lực đối kháng với người thứ ba nhưng qua tìm hiểu, nghiên cứu nội dung của chế định này, thì khái niệm cần được hiểu một cách đơn giản là: Hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bảo đảm là khi xác lập giao dịch bảo đảm hợp pháp thì quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong trong giao dịch bảo đảm không chỉ phát sinh đối với các chủ thể trực tiếp tham gia giao dịch (bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm) mà trong những trường hợp luật định còn phát sinh hiệu lực và có giá trị pháp lý đối với cả người thứ ba không phải là chủ thể trong giao dịch bảo đảm; thời điểm phát sinh hiệu lực kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong Bộ luật Dân sự 2015

Một phiên tòa dân sự

Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm (BLDS 2005 chỉ là kể từ khi đăng ký giao dịch bảo đảm). BLDS 2015 đã bổ sung thêm trường hợp hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.

Quyền lợi của bên nhận bảo đảm

Về quyền lợi của bên nhận bảo đảm khi phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 297 BLDS 2015 khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì: “Bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm; quyền này được thực hiện và áp dụng khi bên nhận bảo đảm không nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm vẫn đang thuộc quản lý của bên bảo đảm hoặc đang do người thứ ba chiếm giữ”. Bên nhận bảo đảm được quyền ưu tiên thanh toán theo quy định của Điều 308 BLDS 2015.

Như chúng ta đã biết, một tài sản có thể được dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 296 BLDS 2015. Vậy, vấn đề đặt ra là khi xử lý tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì căn cứ vào yếu tố nào để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm? Câu trả lời được nằm ở Điều 308 BLDS 2015, theo đó: “1. Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:

 Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng; trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước; trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.

Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền”.

Ví dụ 1: A (bên bảo đảm) thế chấp quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của A cho B (bên nhận bảo đảm) để bảo đảm cho khoản vay của A với B và cũng quyền sử dụng đất trên A lại thế chấp cho C để bảo đảm cho khoản vay của A với C. Giả sử trường hợp này đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 296 BLDS 2015. Quá trình giao dịch, ngày 6/4/2017 A và B đã đăng ký giao dịch bảo đảm; ngày 4/6/2017 A và C đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp này đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba nên khi xử lý tài sản bảo đảm thì sẽ căn cứ vào thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán (trường hợp này thì B được ưu tiên thanh toán trước).

Một điểm cần lưu ý khi áp dụng quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba là không phải tất cả 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 292 BLDS 2015 đều có thể phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Liên hệ các quy định của pháp luật, thì chỉ có 4 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản thì mới có thể phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

Cụ thể, về cầm cố tài sản thì việc cầm cố có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Còn việc “Thế chấp tài sản”, “Bảo lưu quyền sở hữu tài sản”, phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký; việc cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.

Nguyễn Xuân Bình