Quảng Bình: Chính quyền “bất lực” trong việc ngăn chặn nạn trộm đất sét?

Pháp luật - Ngày đăng : 17:09, 18/02/2016

Thời gian qua, dư luận phản ánh nhiều doanh nghiệp tổ chức trộm hàng triệu mét khối diệp thạch sét ở một số xã thuộc huyện Quảng Ninh, Sơn Thủy, Ngân Thủy và thị trấn Lệ Ninh (Lệ Thủy) bán cho Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh gây thất thu cho Nhà nước.

Sáng ngày 30/1/2016, tại xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), Công an xã Vạn Ninh bắt quả tang máy đào đất và 10 xe ô tô đến chở đất từ đầu thôn Bến để bán cho nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh làm phụ gia sản xuất xi măng.

Khi ông Hoàng Thanh Lâm, Trưởng Công an xã Vạn Ninh yêu cầu xe máy tạm dừng việc khai thác đất sét trái phép thì các chủ phương tiện không chấp hành mà còn ngang nhiên hù dọa... Trước sự việc này, Công an huyện Quảng Ninh đã phải điều lực lượng đến hỗ trợ để xử lý.

Theo tìm hiểu của PV, một người tên là Trần Văn Lịch, người của xi măng Vicem Vạn Ninh đi mua đất về cho nhà máy. Khi lực lượng chức năng chặn xe ô tô vào lấy đất thì ông này tuyên bố "Không được chặn...”. Sau khi lập biên bản hiện trường diệp thạch sét vừa bị trộm, lực lượng chức năng đã để cho các xe ôtô và máy xúc đào đất của Công ty Tài Lộc Phát (có trụ sở tại xã Sơn Thủy, Lệ Thủy) tiếp tục hành trình như chưa có chuyện gì xảy ra.

Quảng Bình: Chính quyền “bất lực” trong việc ngăn chặn nạn trộm đất sét?

Khi bị các lực lượng chức năng ngăn chặn, các tài xế mới dừng lại

Theo ông Lý Minh Trọng, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết: ông Trần Văn Lịch là người trong thôn hiện đang làm việc tại Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh đặt vấn đề mua diệp thạch sét ở thôn Bến cho nhà máy và được chính quyền địa phương hướng dẫn thủ tục, nhưng phía Nhà máy không chấp hành. Liên quan đến phần đất bị lấy trộm, ông Trọng cho biết thêm, hiện trường vụ trộm đất một phần nằm trong sổ đỏ của 1 hộ dân ở thôn Bến, phần còn lại xã quy hoạch vùng trồng cây dược liệu.

Các cuộc trộm đất sét không ngừng diễn ra

Tiếp đến vào ngày 3/2/2016, tại địa phận tổ dân phố 5, thị trấn Lệ Ninh (Lệ Thủy) Công ty TNHH Tân Hưng Lộc (có trụ sở ở xã Sơn Thủy, Lệ Thủy) đã dùng máy đào lấy diệp thạch sét ngay dưới lưới điện 500 KV. Cụ thể, sát chân cột số 1181 (mạch 1) và cột số 5325 (mạch 2). Trước thông tin này, đích thân Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy ông Lê Văn Bảo đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vây bắt. Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản khai thác đất trái phép, có dấu hiệu phá hoại lưới điện Quốc gia và yêu cầu Công ty Tân Hưng Lộc đưa máy đào là tang vật vi phạm về trụ sở. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp không hợp tác, đồng thời thông tin cho tài xế đóng cửa các xe, máy và bỏ đi.

Trước sự kiên quyết của lực lượng chức năng, sau hơn 3 giờ mới dẫn độ được máy đào trộm về tạm giữ tại UBND thị trấn Lệ Ninh. Trước đó, khi phát hiện sự có mặt của lực lượng chức năng hàng chục xe ô tô có mặt ở hiện trường đã nổ máy bỏ chạy, trong đó có 6 chiếc đã chạy thẳng về Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh.

Quảng Bình: Chính quyền “bất lực” trong việc ngăn chặn nạn trộm đất sét?

Một điểm khai thác trái phép diệp thạch sét mới gần chân móng cột điện 500 KV

Chiều ngày 14/2/2016 vừa qua, theo phản ánh của người dân trên địa bàn: Đội hình xe của Công ty Tài Lộc Phát đã kéo đến khu vực giáp ranh giữa xã Ngân Thủy với thị trấn Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy (vùng đất ven Km số 4 thuộc Quốc lộ 9B và người dân địa phương thường gọi là vùng Khe Môn) tiếp tục đào trộm diệp thạch sét bán cho Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh. PV đã có mặt tại hiện trường vào lúc 11 giờ đêm và chứng kiến cảnh máy xúc đang vận hành và nhiều xe vào “ăn hàng” chở ra Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh. Các xe mang biển kiểm soát 73C 04567, 73C 02316 ,73C 07681... nối đuôi nhau chở đầy ắp diệp thạch sét chạy theo tuyến Quốc lộ 9B.

Ông Phạm Minh Điền Chủ tịch UBND thị trấn Lệ Ninh đã chỉ đạo ngay lực lượng chức năng đến hiện trường sau khi nhận được phản ánh của PV. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng của thị trấn xuất hiện, ngay lập tức toàn bộ đội hình xe được cho là của Công ty Tài Lộc Phát ngừng hoạt động và rời khỏi hiện trường một cách nhanh chóng, trước sự “bất lực” của lực lượng chức năng.

Trao đổi với PV, ông Phạm Minh Điền cho biết: Đây là vùng giáp ranh giữa thị trấn Lệ Ninh với xã Ngân Thủy và nơi bị xúc trộm đất "rơi" vào địa giới xã Ngân Thủy. Còn Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy ông Nguyễn Văn Hùng thì khẳng định, nơi đào trộm diệp thạch sét thuộc địa phận thị trấn Lệ Ninh.

Quảng Bình: Chính quyền “bất lực” trong việc ngăn chặn nạn trộm đất sét?

Hiện trường Khe Môn – một điểm khai thác trộm diệp thạch sét diễn ra công khai trên địa bàn xã Vạn Ninh (Quảng Ninh)

Đơn vị mua đất khẳng định có hợp đồng mua quặng? 

Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh thuộc Công ty Vicem Hải Vân, đóng tại xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) do Công ty Vicem Hải Vân mua lại nhà máy của Công ty Thắng Lợi (Ninh Bình). Sau 3 năm hoạt động, Nhà máy đã ổn định sản xuất và thương hiệu xi măng Vincem Vạn Ninh đang được thị trường miền Trung tiêu thụ.

Trao đổi qua điện thoại, ông  Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Nhà máy xi măng  Vicem Vạn Ninh khẳng định: Chúng tôi mua quặng từ hợp đồng với Công ty Tài Lộc Phát và các doanh nghiệp khác bán tại kho cho nhà máy. Nhưng khi chúng tôi hỏi về mỏ quặng nào thì ông Thịnh bảo là không liên quan.

Được biết, Công ty TNHH Tài Lộc Phát và Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh đều chưa được cấp phép khai thác mỏ diệp thạch sét để làm phụ gia sản xuất xi măng.

Đồng thời, lợi dụng chủ trương của tỉnh cho các huyện sử dụng một số vùng đất san lấp để xây dựng các hạng mục công trình mục tiêu nông thôn mới. Các doanh nghiệp và nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy xúc để trộm đất bán. Và chỉ tính riêng trên địa bàn xã An Ninh đã bị trộm hơn 1 triệu mét khối đất. Đoàn kiểm tra do xã An Ninh thành lập tiến hành kiểm tra cũng đã xác định, trên địa bàn xã hiện có 11 mỏ khai thác đất trái phép.

Liên quan đến các vụ việc nói trên, lãnh đạo hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy cho biết hiện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ các sai phạm trong việc khai thác trái phép diệp thạch sét trên địa bàn mình quản lý.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Hoàng Oanh