Người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tuấn Lê| 22/07/2015 07:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp vô cùng to lớn.

Có hàng trăm anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng ngàn thương binh liệt sĩ là người con của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, trong đó có Hoàng Văn Nhủng, người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Liệt sỹ Hoàng Văn Nhủng tức Xuân Trường là một trong 34 chiến sỹ tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau nhiều trận đánh oanh liệt, ông đã anh dũng hy sinh trong khi chỉ huy đánh đồn Đồng Mu, Bảo Lạc, Cao Bằng.

Người Tiểu đội trưởng gan dạ

Tháng 7, khi về thăm UBND xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), chúng tôi bất ngờ khi được xem cuốn “Địa chí xã Xuân Trường” được in trên giấy A4, ngoài bìa có ghi do ông Tô Đức Năng - nguyên thiếu tá quân đội và ông Mông Văn Đinh - nguyên phó Chủ tịch huyện Bảo Lạc thực hiện. Cuốn sách ghi lại rất chi tiết về trận đánh đồn Đồng Mu và sự hi sinh của liệt sĩ Xuân Trường

Liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng, người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Năm 1936, khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển, lan rộng đến tận núi cao châu Hà Quảng, Hoàng Văn Nhủng, khi đó mới 18 tuổi và em trai Hoàng Văn Vân được giác ngộ và tham gia hoạt động CM với nhiệm vụ làm liên lạc viên. Năm 1939, cả hai anh em bị bọn mật thám bắt, tra tấn dã man, giam giữ khoảng nửa năm, nhưng kiên quyết không khai neen cuối cùng chúng phải thả hai anh em ra. Được trả tự do, hai anh em lại tiếp tục hoạt động. Để che mắt bọn mật thám, anh Nhủng lấy bí danh Xuân Trường.

Người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Khu di tích đồn Đồng Mu 

Thông minh, gan dạ, dũng cảm và được rèn giũa trong kỷ luật của tổ chức cách mạng nên từ nhiệm vụ làm liên lạc viên, anh trở thành cán bộ dày dạn kinh nghiệm, tiêu biểu trong phong trào Thanh niên phản đế của châu Hà Quảng. Giữa năm 1940, Xuân Trường cùng với một số cán bộ cách mạng tiêu biểu của Cao Bằng được cử đi học quân sự tại Hoàng Phố, Liễu Châu, Trung Quốc. Năm 1944, trở về nước, Hoàng Văn Nhủng tham gia hoạt động chủ yếu từ xã Trường Hà lên vùng Lục Khu (Hà Quảng), tích cực vận động xây dựng đội tự vệ thường và tự vệ chiến đấu của các xã, góp phần vào việc xây dựng đội vũ trang châu Hà Quảng.

Với nhiệt huyết đó, ngày 22/12/1944, Xuân Trường là một trong số những đội viên xuất sắc của châu Hà Quảng được đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Ngay sau khi mới thành lập Đội, Xuân Trường đã được cấp trên tin cậy cử giữ chức Tiểu đội trưởng một tiểu đội.

Sau hai trận Phai Khắt, Nà Ngần giành thắng lợi, Tiểu đội Xuân Trường cùng Đội hành quân về Lũng Dẻ, xã Trùng Khuôn (Nguyên Bình) và khu Việt Minh Thiện Thuật (nay thuộc xã Trương Lương, Hòa An) tuyển thêm quân để thành lập Đại đội đầu tiên của ĐVTNTTGPQ, củng cố lực lượng, bổ sung thêm trang bị vũ khí, sau đó tiếp tục hành quân đi đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc), là một đồn được xây dựng khá kiên cố vì từ đồn này, quân lính sẵn sàng ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta và truy lùng, bắt bớ cán bộ hoạt cách mạng. Ngoài việc đàn áp phong trào cách mạng, vì ở gần biên giới Việt - Trung thường phải đối phó với bọn thổ phỉ, nên địch xây dựng hệ thống công sự phòng thủ khá vững chắc với nhiều lô cốt, tường dày có lỗ châu mai, giao thông hào có dây thép gai bao bọc. Trong đồn có nhiều lính khố đỏ do 3 tên sĩ quan Pháp chỉ huy. Ngoài ra, còn có một số lính dõng trong bản do tên Tổng đoàn chỉ huy.

Biên cương - nơi anh nằm lại

Sau khi trinh sát nắm tình hình, Ban Chỉ huy nhận định không thể áp dụng cách đánh như khi đánh đồn Phai Khắt - Nà Ngần (cải trang đột nhập) mà phải lợi dụng đêm tối bí mật, tiến công, tiêu diệt địch. Trận công đồn diễn ra vào đêm mùng 4, rạng sáng ngày 5/2/1945 (tức ngày 22 tháng Chạp) khá ác liệt. Quân ta tổ chức thành 3 mũi do 3 đồng chí Quang Trung, Nam Long, Xuân Trường chỉ huy, tấn công vào cả ba cửa.

Khi cả 3 tổ đã vượt qua hàng rào thép gai tiến vào đến sân đồn thị bị lộ. Địch lập tức ném lựu đạn xuống tới tấp và bắn ra tới tấp. Trước tình hình đó, đồng chí Quang Trung quay ra hội ý với đồng chí Võ Nguyên Giáp và đề nghị đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Hoàng Sâm ở lại vị trí chỉ huy, còn đồng chí Quang Trung nhanh chóng tìm mọi cách bí mật vào trong đồn chiến đấu và cử liên lạc ra báo cáo. Sau khi đồng chí Quang Trung và các tổ tiến vào đồn, trận chiến đấu diễn ra ác liệt do địch ngoan cố chống cự.

Lúc bấy giờ, Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ xung phong đột nhập qua cửa sổ, dùng súng tiểu liên diệt ngay tên gác cổng và một số tên khác. Đạn trong băng hết, anh rút thanh kiếm và khẩu súng ngắn xông vào sở chỉ huy địch. Một số tên địch tiếp tục bị tiêu diệt, quân địch cố thủ ở một lô cốt giữa đồn chống cự quyết liệt. Khi Xuân Trường đang lắp đạn thì bị một viên đạn địch bắn xuyên qua ngực, anh ngã gục xuống, lúc này các tổ viên ở ngoài cũng vào tới nơi. Xuân Trường gượng dậy gọi đồng chí Thế Hậu và nói “Mình bị trúng đạn rồi, cậu lấy ngay khẩu súng của mình bắn đi”. Thế Hậu chạy đến xốc Xuân Trường lên, nhưng anh gạt ra và giục “Đánh đi, không lôi thôi gì với mình cả. Xung phong lên”. Rồi Xuân Trường trút hơi thở cuối cùng giữa tiếng súng rền vang.

Người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 

Cuộc chiến đấu kéo dài từ 23 giờ ngày 4 đến 2 giờ ngày 5/2/1944, quân ta tiêu diệt 20 tên địch, bắt sống 3 tù binh, thu 5 khẩu súng và nhiều đạn dược. Do bị thiệt hại nặng, bọn địch còn lại trong đồn buộc phải tháo chạy, nhưng trước khi rút chạy, chúng tập trung vũ khí, đạn dược và những trang bị còn lại rồi đổ dầu đốt. Ban Việt Minh xã Ân Quang đã nhanh chóng huy động nhân dân dập lửa thu nhiều chiến lợi phẩm để trang bị cho đội vũ trang địa phương.

Trong trận chiến đấu này, đồng chí Xuân Trường - Tiểu đội trưởng đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh. Sau khi đồn Đồng Mu bị tấn công, địch bị thiệt hại nặng buộc phải rút chạy, xã Ân Quang được giải phóng. Xuân Trường được các đồng đội chôn cất  tại cánh đồng ngay dưới chân đồn. Từ đó, Đồng Mu trở thành vùng đất do Việt Minh quản lý.

Non sông ghi dấu

Theo nguyện vọng của nhân dân, xã Ân Quang được mang tên mới là xã Xuân Trường, để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của liệt sỹ Hoàng Văn Nhủng, tức Xuân Trường. Nhiều năm sau, khi nghĩa trang huyện được xây dựng, di hài của liệt sĩ được đưa về đây chôn cất, xong nhân dân nhớ thương vẫn giữ nguyên phần mộ bia cũ của anh trên đất biên cương. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, khu vực này được qui tập thêm hài cốt của các chiến sĩ hi sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới và được nhân dân các dân tộc xã Xuân Trường hương khói hàng năm.

Ngày 19/8/1961, Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và công nhận Hoàng Văn Nhủng là liệt sĩ. Ông chính là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, quê hương của ông cũng đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVTND trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp”.

Năm 2014, để kỷ niệm 70 năm ra đời đội quân cách mạng - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, nghĩa trang trên điểm cao này được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại giữa một vùng mát xanh bóng núi cây rừng. Ông Mông Văn Hai, 67 tuổi, một cựu chiến binh ở Xuân Trường, chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn khu vực này được xây dựng lại khang trang, được nhiều người biết đến, trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho quân và dân cả nước. Trận đánh công đồn Đồng Mu sau chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là trận đánh thể hiện sự dũng cảm và tinh thần quyết chiến quyết thắng của những chiến sĩ QĐND Việt Nam đầu tiên, đồng thời cũng là những người con của đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Dòng máu cách mạng từ dân mà ra, vì dân phục vụ là cái gốc vững bền của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ".

Trải qua các giai đoạn cách mạng, noi gương liệt sĩ Xuân Trường, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xã Xuân Trường đã có nhiều thế hệ đem sức trẻ cống hiến xây dựng cuộc sống mới. Hiện giờ, xã đã có đến 3 tuyến đường huyết mạch quan trọng; hệ thống trường học, trụ sở Đảng ủy, UBND xã, đồn biên phòng… được xây dựng khang trang và đều mang tên Xuân Trường. Đó là điều kiện vật chất cần thiết và là bệ đỡ tinh thần to lớn để xã Xuân Trường phát triển đi lên, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của cha ông. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam