Nghĩa cử với đồng đội của một cựu binh

Nam Hoàng - Vân Phạm| 29/07/2015 08:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến tranh lùi xa đã 40 năm, vậy mà mỗi lần giở lại những kỷ vật chiến tranh là ký ức hào hùng về thời binh lửa lại ùa về với cựu binh Nguyễn Văn Lệnh, biệt danh Tư Hổ, một cựu điệp viên từng gây bao nỗi kinh hoàng cho chính quyền Mỹ - ngụy.

Đối với người lính già đã ngoài 80 tuổi ấy thì những ngày tháng hoạt động bí mật trong lòng địch dường như vừa mới diễn ra...

Lớn lên trong thời ly loạn

Cách đây ít lâu, chúng tôi tìm đến thăm cựu binh Nguyễn Văn Lệnh - tức Tư Hổ, nguyên Chỉ huy phó Đội trinh sát vũ trang B5 lực lượng Đặc công Thành lừng lẫy năm xưa. Trong căn nhà bình dị nằm ở ngõ 225, đường Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội), ông Lệnh kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời binh nghiệp của mình. Tuy cái chân, cái mắt không được nhanh nhẹn, linh hoạt như xưa, nhưng khi nhắc đến những ngày tháng binh lửa năm xưa, ông Lệnh như một con người khác, hoạt bát hơn và giọng nói đầy hào sảng.

Cũng như bao người dân Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh, ly loạn, tuổi thơ của Nguyễn Văn Lệnh (SN 1930, tại xã Minh Tân, Nam Sách, Hải Dương) gắn liền với những tháng ngày cơ cực, lầm than trong cảnh đất nước phải chịu ách đô hộ của thực dân Pháp. Ngay từ nhỏ, khi phải chứng kiến người thân ruột thịt của mình sống trong  tận cùng thiếu thốn, lầm than, đói khổ, Nguyễn Văn Lệnh đã nuôi chí căm thù giặc. Năm 1946, ông xung phong lên đường nhập ngũ.

Nghĩa cử với đồng đội của một cựu binh

 Cựu binh Nguyễn Văn Lệnh, tức Tư Hổ, nguyên Chỉ huy phó ANVT thuộc Ban An ninh T4, khu Sài Gòn - Gia Định

 

Sau thời gian huấn luyện, Nguyễn Văn Lệnh được điều về Trung đoàn 238, với nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cho Trung ương Đảng ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1959, sau khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) được thành lập, Nguyễn Văn Lệnh vốn có kinh nghiệm làm trinh sát nên được chuyển về Cục Trinh sát, trực thuộc CANDVT. Vừa trở về Cục Trinh sát, ông được giao nhiệm vụ tham gia phá chuyên án bọn phản động lưu vong mang vũ khí về nước, kích động người Thái ở xã Quang Chiểu (thuộc huyện Quan Hóa, nay là huyện Mường Lát, Thanh Hóa) chuẩn bị nổi loạn. Sau gần 1 năm kiên trì bám sát địa bàn, kết hợp thông tin trinh sát nội - ngoại biên, ông đã lập thành tích ấn tượng, được cấp trên khen thưởng, phong quân hàm Thượng úy và được cử đi học ở Liên Xô 1 năm về nghiệp vụ biên phòng. Sau khi từ Liên Xô trở về, ông tiếp tục công tác tại Cục Trinh sát của CANDVT.

Năm 1964, Nguyễn Văn Lệnh được cấp trên điều động chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 1/12/1964, sau gần 3 tháng huấn luyện tại trường dự bị C500, ông và đồng đội hành quân lên biên giới rồi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Tuy vóc người nhỏ bé, nhưng ông lại có sức khỏe, nhanh nhẹn và dẻo dai như hổ luồn ẩn giữa đại ngàn Trường Sơn. Biệt danh "Tư Hổ" cũng bắt đầu có từ ngày đó.

Vào đến chiến trường miền Nam cũng là lúc bộ đội ta chuẩn bị mở chiến dịch Bình Long. Đây là chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tại khu vực tỉnh Bình Long và Phước Long nhằm tiệu diệt bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, hướng dẫn các đơn vị miền Nam biết cách đánh công đồn. Ngay lập tức, ông nhận lệnh cùng một tiểu đội đến hỗ trợ các đơn vị vũ trang chuẩn bị cho chiến dịch. Nhiệm vụ của ông và đồng đội là điều tra, dẹp bọn do thám, thám báo nằm vùng để bộ đội ta chuẩn bị ém quân đánh địch. Nhiệm vụ hoàn thành, tiểu đội của ông trở lại đơn vị cũ và tiếp tục nhận nhiệm vụ mới - một nhiệm vụ đầy cam go và thử thách: Đánh địch từ trong lòng địch. Ông được lệnh thâm nhập Sài Gòn, hoạt động trong lực lượng trinh sát vũ trang B5.

Nỗi kinh hoàng của chính quyền Mỹ - ngụy

Nửa cuối tháng 1/1969, đơn vị của Tư Hổ nhận nhiệm vụ phải ám sát Trung tướng tình báo Linh Quang Viên - Tổng trưởng Nội vụ, Phụ tá an ninh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Một kế hoạch chi tiết đã được Tư Hổ cùng với Nguyễn Công Tâm (tức Ba Hiệp, Chỉ huy trưởng B5) xây dựng, bàn bạc kỹ lưỡng.

Linh Quang Viên quê Cao Bằng, từng tốt nghiệp Trường Trung học An-be Xa-rô (Albert Sarraut) ở Hà Nội. Năm 1953, Viên được cử đi đào tạo chuyên ngành Tham mưu tại Pháp, sau đó được quan thầy Mỹ đưa sang đào tạo chuyên ngành chỉ huy và tham mưu cao cấp tại Pho Li-ven-uốt (Fort Leavenworth) Hoa Kỳ. Với mục đích gây tiếng nổ giữa nội đô và nhằm vào việc tiêu diệt các nhân vật có nhiều nợ máu với nhân dân, Ban chỉ huy B5 đã quyết định đưa Linh Quang Viên vào “tầm ngắm”.

Khi đó, Ba Hiệp và Tư Hổ đề ra hai phương án đánh Linh Quang Viên. Phương án 1 là tiêu diệt y ngay tại nhà riêng ở 151 đường Nguyễn Thông, quận 3, nhưng qua nghiên cứu thấy phương án này rất khó thực hiện bởi nhà Viên có lính bảo vệ cẩn mật, xung quanh nhà lại có hàng rào thép gai chắc chắn, điện thắp sáng suốt đêm. Phương án 2 là đợi Viên đi ra khỏi nhà, ta cử người bám theo, thời cơ thuận lợi sẽ tiêu diệt. Phương án này không đòi hỏi nhiều người tham gia, không cần sử dụng nhiều vũ khí, lúc đánh xong ta có thể dễ dàng rút lui an toàn. Sau khi phân tích kỹ lưỡng, Chỉ huy B5 đã quyết định sử dụng phương án 2.

Trước khi thực hiện, ta bố trí người trinh sát, nắm quy luật đi lại hằng ngày của Linh Quang Viên. Chỉ huy phó Tư Hổ đã nhiều lần trực tiếp ngồi trên xe máy cùng Út Cạn (tức Dũng, đang là lính quân dịch trong đơn vị Biệt động quân của địch) tới ngã tư đường Nguyễn Thông-Phan Thanh Giản (nay là ngã tư Nguyễn Thông-Điện Biên Phủ, TP Hồ Chí Minh) để tiếp cận chiếc xe của Viên khi hắn đi từ nhà riêng tới văn phòng làm việc trong dinh Độc Lập.

Sau mấy ngày chia thành các nhóm trinh sát và cho hai xe máy chở các chiến sĩ Đặc công Thành “thực tập” phương án, chỉ huy B5 chọn thời điểm thực hiện vụ mưu sát là ngày 1/2/1969. Thời gian, địa điểm cụ thể không quy định trước, ta bố trí bám theo xe Viên và khi nào thuận lợi sẽ ra tay, vũ khí chủ yếu là những trái mìn tự tạo với trọng lượng khoảng 1,5kg thuốc nổ C4.

Đúng 6 giờ 30 phút ngày 1/2/1969, các trinh sát của ta có mặt tại ngã tư Nguyễn Thông - Phan Thanh Giản. Nửa giờ sau, chiếc xe bốn chỗ vẫn thường chở Viên và hai xe jeep hộ tống lao ra khỏi khu gia binh. Khi đoàn xe tới ngã tư Bà Huyện Thanh Quan-Phan Thanh Giản, gặp đèn đỏ, 3 xe dừng lại. Thời cơ thuận lợi, Út Cạn giật nụ xòe và ném trái mìn vào đầu chiếc xe 4 chỗ được xác định là xe chở Linh Quang Viên, sau đó trinh sát Hai Đường ném trái mìn vào hai xe jeep hộ tống. Những tiếng nổ lớn làm cho bọn địch không kịp trở tay, những tên ngồi trong xe bị thương vong nặng, hai trong số ba chiếc xe ôtô bị phá hủy. Bốn trinh sát: Út Cạn, Anh Đồng, Sáu Sinh, Hai Đường rút lui an toàn bằng xe máy…

Ngày hôm sau, diễn biến vụ đánh mìn trên đường phố Sài Gòn đã được báo chí Sài Gòn mô tả chi tiết. Khi ấy, các chiến sỹ Đội trinh sát vũ trang B5 mới hay viên tướng trong chiếc xe bốn chỗ màu đen không phải là Linh Quang Viên mà là Nguyễn Văn Kiểm, viên tướng đang giữ chức Tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Tổng thống. Kiểm đã… vô tình trở thành mục tiêu của lực lượng Đặc công Thành, bởi đúng ngày đó, y lại sử dụng chiếc xe mà mọi ngày Linh Quang Viên vẫn dùng. Tuy đã được đưa đi chữa trị, nhưng Kiểm tử vong ít ngày sau đó…

Nghĩa cử với đồng đội của một cựu binh

Chiến sỹ ANVT tháo bom lép của địch lấy thuốc nổ chế tạo vũ khí đánh địch

Sau chiến công đầu tiên, B5 lại nhận được lệnh tiêu diệt Thủ tướng Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương. Tuy Hương sau đó may mắn thoát chết nhưng dư chấn từ những vụ ám sát giữa nội đô do Tư Hổ và đồng đội thực hiện đã khiến cho bọn quan chức, tướng lĩnh của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và quân Mỹ hoảng sợ...

30 năm đi tìm "đồng đội"

Năm 1979, ông Lệnh về hưu với quân hàm thiếu tá. Chứng kiến cảnh các bà, các mẹ lưng còng, mắt mờ chờ đợi, mong ngóng ngày con mình được trở về với gia đình, tổ tiên. Lòng ông đau thắt. Lúc đó, trong ông sục sôi ý tưởng sẽ làm một điều gì đó để giúp đỡ các gia đình đồng đội, để có ngày mẹ nhận con, vợ nhận chồng, con nhận cha khiến họ vơi bớt nỗi đau. Vậy là bằng chiếc xe đạp cà tàng của mình, ông đã rong ruổi khắp nơi đi tìm hài cốt đồng đội.

"Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chứng kiến đồng đội mình hy sinh, rôi luôn tâm nguyện rằng: Khi đất nước hòa bình, thống nhất, nếu còn sống, tôi sẽ đi tìm hài cốt của đồng đội để đưa các anh về với gia đình, quê hương. Hơn nữa, khi phải chứng kiến nỗi khắc khoải của những người thân các gia đình liệt sỹ chưa tìm được hài cốt con em mình, tôi thấy không đành lòng", ông Lệnh tâm sự.

Chính vì nỗi niềm ấy mà suốt hơn 30 năm qua, ông Lệnh đã rong ruổi hàng trăm cây số, đến hàng trăm làng bản, xã thôn để tìm kiếm mộ liệt sỹ. Trên hành trình mải miết ấy, nhiều lúc khó khăn chồng chất, nhưng ông Lệnh không hề có ý định sẽ từ bỏ. Ông bảo, phần lớn những đồng đội của ông ngày ấy chỉ mới mười tám, đôi mươi, họ đã hy sinh cả tuổi xuân, bỏ lại bao ước mơ dang dở để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, việc tìm kiếm, "trả lại tên" cho họ và đưa họ về với nơi chôn rau cắt rốn là một việc nên làm. Động lực đó, nó đã thôi thúc ông hành động và cuộc hành trình ấy kéo dài cho đến tận bây giờ.

Ông Lệnh kể, khi tìm được hài cốt liệt sĩ sau nhiều năm mong mỏi, không ít gia đình tìm đến ông, họ cảm ơn ông không chỉ lời nói mà có người còn đem theo cả vật chất với tấm lòng chân thành. Nhưng ông không hề nhận một chút gì dẫu là nhỏ nhất. Theo ông, việc làm của mình không chỉ đem niềm vui cho gia đình liệt sỹ mà còn là sự tri ân những đồng chí, đồng đội thân yêu đã ngã xuống vì sự trường tồn của Tổ quốc.

Đến nay, dù đã bước sang tuổi 85 - cái tuổi thượng thượng thọ, nhưng nhìn ông người ta vẫn thấy toát lên sự minh mẫn, nhanh nhẹn, hoạt bát. Và, dường như cái vóc dáng nhỏ bé ấy vẫn chưa muốn dừng lại. Đôi chân của ông sẽ còn tiếp tục bước đi trên hành trình thầm lặng mà ông đã chọn và dành trọn tâm huyết gần nửa cuộc đời mình để giúp đồng đội thân yêu trở về với người thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa cử với đồng đội của một cựu binh