Vụ ôtô con lao xuống Vịnh Hạ Long: Đơn vị thi công có thể bị phạt tù 15 năm

Trần Khanh| 13/07/2020 11:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong quá trình thi công dự án, nếu Ban quản lý hoặc đơn vị thi công thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6-15 năm, ngoài ra còn bị áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung khác.

Liên quan đến vụ ôtô con mất lái lao xuống Vịnh Hạ Long khiến 4 người tử vong vào tối ngày 10/7, trao đổi với PV Báo Công lý về trách nhiệm của các bên liên quan, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng: “Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn”.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, căn cứ Thông tư số 37 năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ thì đối với công trình đường bộ vừa thi công vừa khai thác, chủ đầu tư và nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông an toàn theo quy định của pháp luật.

 Vụ ôtô con lao xuống Vịnh Hạ Long: Đơn vị thi công có thể bị phạt tù 15 năm

Luật sư Diệp Năng Bình nêu ý kiến về vụ tai nạn khiến 4 người tử vong 

“Đối với công trình đường bộ vừa thi công vừa khai thác, ngoài việc thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông theo quy định, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm trực đảm bảo giao thông đối với các đoạn đường đang thi công có mặt đường bị thắt hẹp. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải kiểm tra việc tổ chức trực đảm bảo giao thông của các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định” – luật sư Diệp Năng Bình nói.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, về trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ được quy định tại Khoản 3 Điều 48 Luật Giao thông đường bộ như sau: Hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm; Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm.

Vụ ôtô con lao xuống Vịnh Hạ Long: Đơn vị thi công có thể bị phạt tù 15 năm

Tại nơi xảy ra vụ tai nạn, nếu đi vào trời tối thì đoạn đường này như một “cái bẫy” đối với các phương tiện

Luật sư Bình nhấn mạnh: “Đối với hành vi xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn giao thông vận tải trên lĩnh vực duy tu, sửa chữa các công trình giao thông đường bộ mà gây chết người sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Với việc để xảy ra chết 3 người trở lên người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6-15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm”.

Theo tìm hiểu của PV, vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên tuyến đường 6 làn xe (đoạn từ lý trình Km0+00 đến Km8+300), thuộc gói thầu số 12 của dự án đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả.Trong đó, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát.

Trước đó, khoảng 21h ngày 10/7, xe ô tô Mazda CX5 biển kiểm soát 30F-171.15 do anh T.T.A. (37 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển đang lưu thông tuyến đường ven biển Trần Quốc Nghiễn bất ngờ mất lái và lao xuống biển.

Vụ ôtô con lao xuống Vịnh Hạ Long: Đơn vị thi công có thể bị phạt tù 15 năm

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm vào tối ngày 10/7

Tại hiện trường, tài xế thoát được ra ngoài, còn 4 người còn lại gồm (2 phụ nữ và 2 trẻ em) bị mắc kẹt trong xe phải nhờ đến sự trợ giúp của người dân xung quanh mới thoát được ra ngoài.

Hậu quả vụ tai nạn làm 4 người trên xe ôtô tử vong gồm: Chị V.T.H. (SN 1988, vợ của lái xe, trú ở 312 K1, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), cháu T.M.Q. (SN 2017, con của chị V.T.H.), cháu B.T.D. (SN 2011, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và chị V.T.H. (SN 1984, trú tại Đông Ngạc, Từ Liêm, TP Hà Nội).

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế. Đồng thời, xác định người điều khiển phương tiện có kết quả 0,9 mg/lít khí thở và âm tính với chất ma túy.

Dự án mở rộng cầu Bài Thơ và đường Trần Quốc Nghiễn (đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm đấu nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả) có chiều dài 4,7km, được khởi công tháng 7/2019, với tổng vốn khoảng 1.300 tỉ đồng. Theo đó, mặt đường được nâng cấp từ 4 lên 6 làn xe, vỉa hè bên trong là 5m, phía ngoài biển được đầu tư kết hợp với khuôn viên cảnh quan ngắm vịnh Hạ Long mở rộng 28m.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã đi kiểm tra thực tế hiện trường, làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng của tỉnh để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.  Bước đầu nguyên nhân vụ tai nạn xuất phát từ việc tài xế có sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông cũng như trời mưa khiến tầm quan sát của tài xế giảm.

Tuy nhiên, ông Thái cũng đã nhấn mạnh, ngoài những nguyên nhân chính đó ra, việc đơn vị thi công tuyến đường không có biển cảnh báo nguy hiểm, tuyến đường hiện chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, không có dây phản quang để hướng dẫn người tham gia giao thông cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ ôtô con lao xuống Vịnh Hạ Long: Đơn vị thi công có thể bị phạt tù 15 năm