Tẩu tán tài sản, né thi hành án ở Bắc Quang, Hà Giang: Ai phải chịu trách nhiệm?

Đỗ Việt| 13/07/2017 06:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tạm giữ tài sản, giấy tờ là một trong những biện pháp bảo đảm thi hành án. Cơ quan thi hành án có thể chủ động áp dụng khi thấy cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, đảm bảo cho việc xử lý tài sản phải thi hành án sau này.

Như Báo Công lý đã thông tin ở bài viết trước, liên quan đến vụ việc thi hành án tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang giữa bà Vũ Thị Dung (SN 1974 trú tại tổ 8, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) phản ánh về việc bà Nguyễn Thị Phi Yến trú tại tổ 3 thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang (công tác tại trường THPT Việt Vinh – huyện Bắc Quang) đã không thực hiện việc trả tiền vay cho bà Dung mặc dù đã có Quyết định thi hành án của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời còn có hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ.

Bà Dung cho rằng Chi cục thi hành án dân sự huyện Bắc Quang đã có nhiều thiếu sót trong thi hành án dân sự, dẫn đến bà Yến, ông Hải (chồng bà Yến) đã có hành vi tẩu tán tài sản là hai chiếc ô tô mang biển kiểm soát 23T-3128 và xe ô tô mang biển kiểm soát 23T-3003, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla để làm rõ hơn những góc độ pháp lý.

PV: Thưa luật sư, theo bà Vũ Thị Dung thì một trong những nguyên nhân làm vụ việc kéo dài là Chi cục THADS huyện Bắc Quang đã không áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản đối với hai xe ô tô mang biển kiểm soát 23T-3128 và xe ô tô mang biển kiểm soát 23T-3003.  Qua xem xét hồ sơ vụ việc, luật sư có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Khoản 1 Điều 66 Luật thi hành án dân sự 2008 có quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án như sau: “Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự".

Điều 69 Luật THADS 2008 quy định về tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản: “Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, huỷ hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án và gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó...”.

Theo các quy định trên, Chấp hành viên có thể chủ động tự mình ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp thấy cần thiết phải ngăn chặn việc tẩu tán tài sản thi hành án.

Trong trường hợp này, mặc dù đã có kết quả xác minh hai xe ô tô mang kiểm soát 23T-3128 và biển kiểm soát 23T-3003 là tài sản chung của bà Yến và ông Hải và đã có thông báo số 113/TB-CCTHA ngày 27/11/2013 về việc xác định phần sở hữu tài sản của người bị thi hành án trong khối tài sản chung của vợ chồng ông Hải - bà Yến, xác định hai ô tô trên là tài sản để thi hành án. Tuy nhiên, Chi cục thi hành án dân sự huyện Bắc Quang lại chỉ ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu đối với hai diện tích đất tại thị trấn Việt Quang nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của người phải thi hành án là bà Yến (do có đơn của bà Dung).

Trong khi đó, hai xe ô tô trên là động sản, việc cất giấu, tẩu tán, chuyển nhượng diễn ra dễ dàng hơn, khó kiểm soát hơn thì Chi cục thi hành án dân sự huyện Bắc Quang lại không chủ động tiến hành áp dụng biện pháp bảo đảm tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3128 và xe ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3003 nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho người được thi hành án là bà Dung.

Do đó, việc bà Dung cho rằng chính sự thiếu sót trên của Chi cục thi hành án huyện Bắc Quang đã dẫn đến việc bà Yến ông Hải đã thực hiện hành vi tẩu tán tài sản dù đã có quyết định kê biên đối với 2 xe ô tô này cũng là điều dễ hiểu.

Tẩu tán tài sản, né thi hành án ở Bắc Quang, Hà Giang: Ai phải chịu trách nhiệm?

Tẩu tán tài sản, né thi hành án ở Bắc Quang, Hà Giang: Ai phải chịu trách nhiệm?

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự 

PV: Thưa luật sư, Chi cục THADS huyện Bắc Quang không tiến hành việc thu giữ giấy tờ xe đối với xe ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3128 và xe ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3003 là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bà Yến, ông Hải dễ dàng tiến hành tẩu tán tài sản. Vậy cơ quan thực hiện quyền thi hành án phải chịu trách nhiệm như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Tại Điều 68 Luật thi hành án dân sự 2008 có quy định về việc tạm giữ giấy tờ, tài sản của đương sự trước khi ra Quyết định cưỡng chế như sau: “1. Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng...”.

Tạm giữ tài sản, giấy tờ là một trong những biện pháp bảo đảm thi hành án. Cơ quan thi hành án có thể chủ động áp dụng khi thấy cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, đảm bảo cho việc xử lý tài sản phải thi hành án sau này. Tuy nhiên, Chi cục thi hành án dân sự huyện Bắc Quang đã không áp dụng biện pháp này nhằm thu giữ giấy tờ xe đối với xe ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3128 và xe ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3003, do đó, đã tạo điều kiện cho bà Yến, ông Hải thực hiện việc tẩu tán, chuyển nhượng hai ô tô trên nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

Hơn thế nữa, tại Điều 96 Luật THADS 2008 về kê biên phương tiện giao thông quy định như sau:

“Điều 96: Kê biên phương tiện giao thông

1. Trường hợp kê biên phương tiện giao thông của người phải thi hành án, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng phương tiện đó phải giao giấy đăng ký phương tiện đó, nếu có...”.

Theo quy định trên, khi tiến hành kê biên hai xe ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3128 và xe ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3003, Chấp hành viên có trách nhiệm phải thu giữ giấy tờ liên quan. Mặt khác, khi tiến hành thu giữ giấy tờ xe trên, Chi cục thi hành dân sự huyện Bắc Quang có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế giao thông đối với hai xe ô tô trên.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi hành án, Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự huyện Bắc Quang đã không thực hiện việc thu giữ giấy tờ xe ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3128 và xe ô tô mang biển kiểm soát 23T- 3003, tạo điều kiện cho ông Hải, bà Yến chuyển nhượng tẩu tán tài sản là 2 chiếc xe ô tô trên nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành án.

Như vậy, có thể thấy hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm như biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; biện pháp Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với hai xe ô tô trên cũng như không thực hiện việc thu giữ giấy tờ xe khi tiến hành kê biên tài sản của Chi cục thi hành án huyện Bắc Quang là thiếu sót, tạo điều kiện cho bà Yến ông Hải thực hiện việc tẩu tán chuyển nhượng tài sản phải thi hành án là 2 xe ô tô trên và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Dung – người được thi hành án.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tẩu tán tài sản, né thi hành án ở Bắc Quang, Hà Giang: Ai phải chịu trách nhiệm?